Giáo sư George Bray cùng các đồng nghiệp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Pennington ở thành phố Baton Rouge, bang Lusiana đã tiến hành nghiên cứu trên 25 người nhằm xác định các mức tiêu thụ chất đạm khác nhau ảnh hưởng như thế nào đến trọng lượng cơ thể, lượng chất béo và quá trình tiêu hao năng lượng.
Trong vòng 56 ngày, các tình nguyện viên được chia thành ba nhóm với ba loại thực đơn có chứa hàm lượng chất đạm khác nhau, lần lượt là 5% (thấp - nhóm 1), 15% (trung bình- nhóm 2) và 25% (cao - nhóm 3), nhưng lượng calo là đồng đều, khoảng 1000 calo/ngày.
Kết quả cho thấy những người ở nhóm 2 và nhóm 3 tăng lần lượt 6,05kg và 6,51kg, tăng gấp đôi so với nhóm 1 (3,16kg). Tuy nhiên, phần lớn năng lượng thừa của nhóm 2 và nhóm 3 đều chuyển hóa thành dạng cơ bắp chứ không tồn tại ở dạng chất béo như nhóm 1.
Các nhà khoa học phát hiện 90% năng lượng thừa ở nhóm 1 tích tụ thành chất béo, trong khi tỷ lệ đó chỉ chiếm 50% đối với hai nhóm còn lại. Các nhà nghiên cứu kết luận calo và quá trình tiêu hao năng lượng là nguyên nhân chính góp phần làm gia tăng việc tích trữ chất béo trong cơ thể.
Nghiên cứu trên được công bố trên Tạp chí của Hiệp Hội Y Khoa Mỹ số ra ngày 4/1./.