Thừa Thiên-Huế đảm bảo hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân

Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trường hợp tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16, các hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm vẫn được đảm bình thường để phục vụ nhân dân.
Thừa Thiên-Huế đảm bảo hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân ảnh 1Người dân mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngày 28/8, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo Sở Công Thương tỉnh chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân trong bất kỳ tình huống nào của dịch bệnh.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cũng khuyến cáo người dân yên tâm, không tích trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đông người đến các các siêu thị, chợ... nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh; tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền; thực hiện nghiêm nguyên tắc phòng dịch, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.

Vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế đã làm việc với các siêu thị và ban quản lý các chợ lớn trên địa bàn tỉnh để bàn kế hoạch đảm bảo cung ứng kịp thời các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân tùy theo tình hình dịch cũng như từng cấp độ Chỉ thị áp dụng.

Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên chỉ đạo các siêu thị, chợ và đơn vị phân phối tăng cường lượng hàng dự trữ.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế, đơn vị đã có sự chỉ đạo các địa phương tăng cường nguồn cung tại chỗ cũng như từ các tỉnh, thành phố trên cả nước, huy động toàn bộ lực lượng các phương tiện trên địa bàn tỉnh tham gia hỗ trợ vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân trên địa bàn khi cần thiết.

Trong trường hợp tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa phòng chống dịch vẫn được đảm hoạt động bình thường để phục vụ nhân dân.

[Hà Nội: Cung ứng hàng hóa ổn định trong những ngày giãn cách xã hội]

Một số điểm bán (chợ, siêu thị) ngừng kinh doanh do có liên quan đến yếu tố dịch tễ, Sở Công Thương đã xây dựng các giải pháp như triển khai ngay các điểm bán lưu động ngay tại khu vực có điểm ngừng kinh doanh, đảm bảo phục vụ người dân liên tục, không để người dân khó khăn trong việc mua sắm hàng thiết yếu...

Tại các địa phương, lượng hàng hóa thiết yếu tại chỗ vẫn đảm bảo cung ứng cho bà con.

Một số nguồn hàng từ các tỉnh phía Nam cung ứng cho địa phương giảm, nhưng đã có nguồn hàng ở các tỉnh phía Bắc thay thế nên vẫn đảm bảo nguồn cung, không xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa, gây sốt giá.

Hiện nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có lượng hàng hóa lớn như Công ty cổ phần Lương thực Thừa Thiên-Huế dự trữ khoảng 200 tấn gạo, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long-Chi nhánh Huế khoảng 250 tấn gạo; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Hoàng Đạt khoảng 20.000 thùng mỳ ăn liền, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Thái Đông Anh khoảng 23.000 thùng mỳ ăn liền, 78.000 lít dầu ăn các loại; Công ty Cổ phần Thương mại Đông Ba có khoảng 99.000 lon đồ hộp các loại và có kế hoạch cung ứng ra thị trường khoảng 10.000 lon mỗi ngày...

Thừa Thiên-Huế đảm bảo hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân ảnh 2Các siêu thị vẫn tích trữ đầy đủ hàng hóa để phục vụ người dân. (Ảnh: TTXVN)

Tại chợ đầu mối Phú Hậu, tổng lượng hàng hóa rau, củ, quả nhập mỗi ngày trung bình khoảng 100 tấn, chủ yếu từ các tỉnh Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Trị...

Ngoài ra, còn có hàng tự sản, tự tiêu trên địa bàn khoảng 7-10 tấn/ngày.

Được biết, ngay sau khi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh ban hành Quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch đối với các khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), vào chiều 27/8, nhiều người dân đã đổ xô đến các siêu thị, chợ... để mua sắm, tích trữ hàng hoá, lương thực và thực phẩm.

Ghi nhận tại Siêu thị BigC Huế, lượng khách hàng mua sắm trong 2 ngày 27-28/8 tăng 40% so với thường ngày.

Do lo ngại về tình hình dịch bệnh, vì vậy hầu hết người dân lựa chọn tích trữ nhiều loại hàng hóa như thực phẩm khô, rau củ quả và thịt tươi sống.

Bà Phạm Thị Thùy Trang, Giám đốc Siêu thị BigC Huế cho hay, để phục vụ nhu cầu của bà con, siêu thị bổ sung hàng hóa liên tục, không để xảy ra thiếu hàng cục bộ trên các kệ hàng.

Ngoài ra, đơn vị cũng có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa hàng tuần. Siêu thị đang dự trữ khoảng 25 tấn gạo,15.000 thùng mỳ ăn liền, 30.000 lon đồ hộp các loại; 33.000 lít dầu ăn…

Tương tự, siêu thị Co-op Mart Huế vẫn đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa, thực phẩm, nhu yếu phẩm để phục vụ người dân thành phố Huế mua sắm.

Các mặt hàng được đảm bảo bình ổn giá, không có trường hợp tăng giá mùa dịch bệnh. Dự kiến, siêu thị vẫn có thể cung cấp đủ hàng hóa cho bà con trong thời gian tới nhờ có sự chuẩn bị dự trữ hàng hóa thiết yếu cao hơn so với bình thường.

Hiện, siêu thị đang tích trữ khoảng 10 tấn gạo, 2.500 thùng mỳ ăn liền, 2.000 lít dầu ăn, 3.000 lon đồ hộp các loại..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục