Thúc đẩy giám sát chương trình việc làm bền vững

Thực tế cho thấy, nếu không rà soát, đánh giá kịp thời việc thực hiện chương trình, các địa phương sẽ dễ buông lỏng việc triển khai.
Chương trình hợp tác quốc tế về việc làm bền vững mới triển khai được một năm song đã phát sinh nhiều vướng mắc đòi hỏi cần phải có một cơ chế giám sát, báo cáo về tình hình thực hiện chương trình 6 tháng/lần để đảm bảo hiệu quả và tiến độ của chương trình.

“Thực tế các địa phương cho thấy, nếu không rà soát, đánh giá kịp thời việc thực hiện chương trình, các địa phương sẽ dễ bị buông lỏng với các hoạt đông của chương trình, các dự án độc lập sẽ thiếu tính bền vững và không được gắn kết với các ưu tiên quốc gia chung,” ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nói.

Đây là ý kiến được đưa trong hội thảo phổ biến, triển khai thực hiện chương trình hợp tác quốc tế về việc làm bền vững do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và ILO tổ chức vào ngày 25/6 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc triển khai các chính sách, dự án trong chương trình việc làm bền vững không được chuẩn bị tốt, các địa phương chưa có các kế hoạch cụ thể, ban điều hành chương trình chưa quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan và người đứng đầu. Sự phối hợp giữ các cơ quan thực cũng chưa tốt, thiếu sự tổng hợp, giám sát và điều phối thực hiện mục tiêu chung.

Ông Nguyễn Bá Ngọc kiến nghị, trong quá trình triển khai tiếp theo cần tổ chức một bộ phận thường trực, giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu của chương trình. Bộ phận này cũng sẽ có nhiệm vụ giải đáp những thắc mắc, hướng dẫn các địa phương trong thời gian thực hiện mục tiêu của chương trình.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1,3 triệu người thất nghiệp, hơn một nửa trong số này ở độ tuổi 15-24 và xu hướng lao động trẻ thất nghiệp đang tiếp tục gia tăng. Ngay đối với những người đang có việc làm, chất lượng công việc cũng là một điều đáng bàn. Khoảng 69% số lao động nữ và 54% số lao động nam hiện được xếp vào nhóm dễ bị tổn thương...

Vì vậy, chương trình việc làm bền vững quốc gia giai đoạn 2012-2016 hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng, chiều sâu của sự tăng trưởng kinh tế thông qua nguồn nhân lực chất lượng cao, việc làm bền vững và phát triển doanh nghiệp bền vững.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sau gần một năm triển khai thực hiện, chương trình bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định; trong đó quan trọng nhất là chương trình đã góp phần vào quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách về lao động và xã hội ở Việt Nam. Cụ thể, ILO đã hỗ trợ kỹ thuật rất hiệu quả trong việc xây dựng Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn năm 2012.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, hiện nay ILO đang tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam nhằm xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật nêu trên và một số Luật mới khác đồng thời hỗ trợ tăng cường năng lực thực thi pháp luật, tiến hành trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu xây dựng chính sách về an sinh xã hội cho các nhóm yếu thế ..

Trong giai đoạn 2013-2014, chương trình sẽ tiếp tục  tập trung vào xây dựng và triển khai  pháp luật và chính sách lao động - xã hội, thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu và phê chuẩn các các công ước của ILO, phổ biến các nội dung của chương trình tại các địa phương, cơ sở để tăng tính hiệu quả của chương trình.

Hội thảo phổ biến, triển khai thực hiện chương trình hợp tác quốc tế về việc làm bền vững đã được tổ chức vào tháng 5 tại Đà Nẵng, tháng 6 tại Hà Nội và sẽ được tổ chức vào tháng 7 tại Thành phố Hồ Chí Minh./.
Bản Ghi nhớ về “Chương trình hợp tác quốc gia ILO - Việt Nam về Việc làm Bền vững 2012 - 2016” do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng với Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam ký kết vào ngày 24/5/2012.

Các ưu tiên của chương trình gồm: Cải thiện việc làm, thúc đẩy hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương, củng cố quản lý thị trường lao động./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục