Thúc đẩy phát triển lĩnh vực công tác xã hội chuyên nghiệp

Tại Hội nghị Khởi động xây dựng “Tuyên bố ASEAN về Phát triển Công tác xã hội, các đại biểu nhất trí rằng ở Đông Nam Á, công tác xã hội vẫn chưa được pháp luật công nhận là một nghề chuyên nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Làm thế nào để gắn kết cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia của các nhóm yếu thế trong xã hội và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho họ, bao gồm các hoạt động liên quan đến công tác xã hội trong khu vực và tại từng quốc gia.

Đó là vấn đề được nhiều đoàn đại biểu nêu ra tại Hội thảo Khởi động xây dựng “Tuyên bố ASEAN về Phát triển Công tác xã hội” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Ban Thư ký ASEAN, tổ chức sáng 28/10, tại Hà Nội.

Tại hội nghị, nhiều đoàn đại biểu nhất trí cho rằng tại khu vực Đông Nam Á, công tác xã hội vẫn chưa được pháp luật công nhận là một nghề chuyên nghiệp.

Nhiều quốc gia vẫn chưa nhận thấy được tầm quan trọng của công tác xã hội trong đời sống của người dân và trong quản lý Nhà nước nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ cho các nhóm yếu thế.

Các thách thức liên quan đến nguồn lực, bao gồm cả nhân sự chuyên nghiệp với các kỹ năng, kiến thức và thái độ phù hợp cũng như các nguồn lực tài chính trong công tác xã hội là những rào cản phát triển công tác xã hội trong khu vực ASEAN nói riêng và trên thế giới nói chung.

Trong bối cảnh đó, ASEAN cũng đang phải đối mặt với những thay đổi lớn lao, có ý nghĩa bước ngoặt trước những tiến bộ của khoa học, công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay già hóa dân số và biến đổi khí hậu kéo theo cả những thiên tai, thảm họa do con người gây ra.

Những thay đổi ấy vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng kèm theo thách thức đối với đường lối, chính sách phát triển về kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia và toàn cầu, trong đó có vấn đề phúc lợi xã hội và công tác xã hội.

Theo Giám đốc Khu vực Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Karin Hulshof, tăng cường lực lượng cung cấp dịch vụ xã hội là ưu tiên trong Kế hoạch Chiến lược của UNICEF giai đoạn 2018-2021 nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều được bảo vệ khỏi bạo lực và bóc lột, đồng thời góp phần đạt được các Mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững.

[Nỗ lực xóa bỏ rào cản định kiến giới vì phát triển và tiến bộ xã hội]

Theo ước tính, 65% trong 169 mục tiêu thuộc 17 Mục tiêu phát triển bền vững sẽ khó đạt được nếu không có sự tham gia và phối hợp với các cơ quan phụ trách lĩnh vực dịch vụ xã hội. Do đó, nếu khu vực này không đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, điều này sẽ ảnh hướng tới kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững toàn cầu, Giám đốc Karin Hulshof chỉ rõ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, với đặc điểm lịch sử của đất nước là trải qua nhiều cuộc chiến tranh, số lượng người cần tiếp cận những dịch vụ công tác xã hội của Việt Nam rất lớn, tới khoảng 20 triệu người, chiếm tỷ lệ trên 20% tổng dân số.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã tạo tiền đề pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương từng bước phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Đặc biệt, thực hiện quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phát triển mạng lưới cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; đào tạo công tác xã hội; truyền thông và hợp tác quốc tế phát triển công tác xã hội.

Một số quy định về công tác xã hội để trợ giúp các đối tượng đặc thù đã được quy định tại nhiều bộ luật, luật chuyên ngành như Bộ luật Lao động, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình…

Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhận thấy cần phải tăng cường và kiện toàn khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội thông qua việc xây dựng luật riêng về công tác xã hội để làm cơ sở điều chỉnh các nội dung liên quan trong các ngành, lĩnh vực hiện đang được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành.

Việt Nam mong muốn được phối hợp với các nước thành viên ASEAN và UNICEF cùng các đối tác khác xây dựng Tuyên bố ASEAN về Phát triển công tác xã hội, dự kiến sẽ được trình lên các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 11/2020 để thông qua nhằm khẳng định sự ủng hộ về mặt chính trị và cam kết cao của ASEAN đối với sự phát triển của công tác xã hội trong khu vực trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu Không để ai bị bỏ lại phía sau của Liên hợp quốc.

“Tôi cho rằng việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực, hướng tới xây dựng một lĩnh vực công tác xã hội chuyên nghiệp, hiệu quả, thích ứng nhanh với những thay đổi nhanh chóng của xã hội là mục tiêu chung mà tất cả các nước thành viên ASEAN đều mong đợi,” Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục