Thúc đẩy vai trò của Quốc hội trong triển khai các SDG ở Việt Nam

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng, kiện toàn ban lãnh đạo và vạch ra đường hướng phát triển đất nước trong thời gian tới.
Thúc đẩy vai trò của Quốc hội trong triển khai các SDG ở Việt Nam ảnh 1(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Chiều 5/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đã có cuộc họp trực tuyến với bà Armida Salsiah Alisjabana, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Xã hội của Liên hợp quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) ở Việt Nam.

Tham dự cuộc họp có Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành.

Tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đã thông báo tới bà Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về tình hình trong nước và tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.

Theo đó, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng, kiện toàn ban lãnh đạo và vạch ra đường hướng phát triển đất nước trong thời gian tới.

Trong thời điểm hiện nay, Việt Nam đặt ra "mục tiêu kép": vừa phòng, chống tốt đại dịch COVID-19; vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống của nhân dân, an sinh xã hội. Hiện nền kinh tế Việt Nam đang thể hiện tốt khả năng chống chọi trong bối cảnh đại dịch.

Năm 2020, Việt Nam là một trong ít nước có tăng trưởng dương và dự báo sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng dương trong năm 2021 với mức tăng từ 6-6,5%. Từ cuối tháng 4 đến nay, cùng với nhiều nước trên thế giới và khu vực, Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đợt bùng phát dịch COVID-19 với biến thể Delta gây nên tình trạng lây nhiễm tăng nhanh trong cộng đồng.

Về việc thực hiện Mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đưa ra các mục tiêu và nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương.

[Cần 75.000 tỷ đồng để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025]

Trong 17 mục tiêu tổng quát, 169  mục tiêu cụ thể của Chương trình Nghị sự, Việt Nam đã quốc gia hóa thành 17 mục tiêu tổng quát và 115 mục tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện với bối cảnh phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành lộ trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, để các bộ, ngành, địa phương có căn cứ lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, 5 năm đồng thời làm cơ sở cho việc giám sát, đánh giá thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững theo các mốc thời gian 2020, 2025 và 2030.

Với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững; thảo luận thông qua những đạo luật, chiến lược quốc gia, quyết định ngân sách cho các chương trình phát triển liên quan đến thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững; thẩm tra, phê chuẩn các công ước, điều ước quốc tế về quyền con người, kinh tế-xã hội.

Quốc hội Việt Nam cũng phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới thông qua Tuyên bố Hà Nội năm 2015 với tiêu đề "Nghị viện với các Mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động" cũng như tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo liên quan đến phát triển bền vững.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị Liên hợp quốc nói chung, UNESCAP nói riêng quan tâm hỗ trợ Quốc hội Việt Nam về tổ chức các hội nghị, hội thảo, kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan của Quốc hội trong lập pháp, giám sát thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, nhằm phát huy vai trò của Quốc hội trong thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Đánh giá cao những thành tựu trong thực hiện và vai trò của Quốc hội Việt Nam trong thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững, bà Armida Salsiah Alisjabana, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Xã hội của Liên hợp quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) khẳng định cam kết của tổ chức này trong hỗ trợ Việt Nam cũng như Quốc hội Việt Nam trong triển khai, đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.

Nhấn mạnh dịch COVID-19 đang đe dọa việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bà Armida Salsiah Alisjabana đề nghị Quốc hội Việt Nam phát huy vai trò thành viên tích cực của mình trong các tổ chức Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), kết nối các nghị viện trong thúc đẩy, giám sát, đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả các chính sách về Mục tiêu phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục