Doanh nghiệp ở Hậu Giang khi đi vào sản xuất phải có kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 được cấp thẩm quyền phê duyệt trong khi Bình Dương hỗ trợ tiêm vaccine cho tất cả người dân quay lại tỉnh làm việc; Tây Ninh thực hiện các quy định mới về phòng, chống dịch...
Hậu Giang đảm bảo an toàn trong sản xuất
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm vừa hoạt động sản xuất, vừa phòng, chống dịch.
Doanh nghiệp khi đi vào sản xuất phải có kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 được cấp thẩm quyền phê duyệt, trong đó, lưu ý khi xây dựng phương án, kế hoạch trình cấp thẩm quyền phê duyệt phải đảm bảo có phương án xử lý cụ thể khi có trường hợp mắc COVID-19.
Tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện phương án làm việc “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, rà soát lực lượng lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, trường hợp nằm trong khu vực trong đang thiết lập vùng cách ly y tế hoặc địa bàn dịch cấp 3, 4 trong và ngoài tỉnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, bố trí làm việc “3 tại chỗ."
Trong thời gian doanh nghiệp đi vào hoạt động, tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR (mẫu gộp) hàng tuần hoặc 2 tuần/lần theo quy định tại Công văn số 8228/BYT-MT ngày 30/9/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; trong đó, ưu tiên xét nghiệm tối thiểu 20% người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp và khu nhà trọ của người lao động có nguy cơ cao.
Tỉnh Hậu Giang cũng vừa quyết định thành lập thêm Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 Hậu Giang tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Bệnh viện có quy mô điều trị 500 giường nhằm cách ly, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, không bệnh nền tại tỉnh Hậu Giang.
Như vậy, đến nay trên toàn tỉnh Hậu Giang đã có 5 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID với tổng khả năng tiếp nhận trên 1.300 bệnh nhân.
Hiện, tỉnh Hậu Giang vẫn đang áp dụng dịch cấp độ 2 đối với tỉnh; cấp độ 3 là 5 xã và 24 ấp; cấp độ 4 có 12 xã và 111 ấp, cấp độ 2 có 58 xã và 390 ấp. Cả 8 huyện, thị, thành phố của tỉnh đều có ấp, khu vực cấp độ 4 do có ổ dịch trong cộng đồng.
Từ 18 giờ ngày 10/11 đến 6 giờ ngày 11/11, tỉnh Hậu Giang ghi nhận 58 ca mắc mới; trong đó có 41 trường hợp là ca mắc cộng đồng, 5 trường hợp là người về từ ngoài tỉnh, 12 trường hợp là F1 liên quan đến các ổ dịch trên địa bàn tỉnh đã được cách ly tập trung.
Tính từ đầu đợt dịch, ngày 8/7 đến nay, Hậu Giang đã ghi nhận 2.158 ca mắc (đã được Bộ Y tế công bố 1.827 ca); trong đó, 1.161 bệnh nhân đã được điều trị khỏi; 988 bệnh nhân đang điều trị; 6 ca tử vong.
Hỗ trợ tiêm vaccine cho tất cả người dân quay lại Bình Dương làm việc
Ngày 11/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương thông tin về việc hỗ trợ xét nghiệm, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả người dân có nguyện vọng quay về Bình Dương làm việc và sinh sống.
Tỉnh yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Dương triển khai việc hỗ trợ xét nghiệm và tiêm vaccine cho người lao động có mong muốn trở lại làm việc.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu thăm khám sức khỏe, tiêm vaccine cho người lao động, Bệnh viện Quốc tế Becamex, Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước do Tổng Công ty Becamex IDC chịu trách nhiệm tổ chức đưa các trạm y tế trong khu công nghiệp và đội y tế lưu động đến thăm khám, làm việc trực tiếp tại các nhà máy, trụ sở của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động trở có nhu cầu tiêm ngừa vaccine.
Cùng ngày, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, trong 1 ngày qua trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 615 ca mắc COVID-19 mới. Tất cả các ca đã qua xét nghiệm RT-PCR và đã có đầy đủ các thông tin dịch tễ.
Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 241.589 ca mắc COVID-19; trong đó có 2.529 trường hợp tử vong.
Đồng Nai có quy trình quản lý, điều trị F0 trong cộng đồng
Theo Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai, hiện nay các ổ dịch ở cộng đồng trên địa bàn tỉnh đa phần có nguồn lây liên quan đến các doanh nghiệp sản xuất và người về từ vùng có dịch, tạo thành nhiều ổ dịch lây nhiễm thứ phát rải rác trong cộng đồng.
Trong vài ngày qua, bình quân mỗi ngày, tỉnh Đồng Nai ghi nhận hơn 200 ca nhiễm trong cộng đồng, tập trung ở thành phố Biên Hòa và các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Thống Nhất.
Tính từ ngày 10/11 đến sáng 11/11, Đồng Nai ghi nhận 930 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh lên hơn 75,8 ngàn ca. Trong số các ca mắc mới có 309 ca sàng lọc tại các cơ sở y tế, 302 ca trong các khu phong tỏa ở cộng đồng, 319 ca trong các khu cách ly tập trung. Đáng chú ý, số ca mắc ở cộng đồng tăng 29,3% so với ngày trước đó, xuất hiện ở cả 11 huyện, thành phố.
Để kịp thời phát hiện, theo dõi, quản lý, điều trị người mắc COVID-19 ở cộng đồng, tỉnh Đồng Nai khẩn trương triển khai hướng dẫn tạm thời quy trình xử lý người mắc COVID-19 trong cộng đồng trên địa bàn của tỉnh.
Cụ thể, F0 cộng đồng là người có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR (1 lần) hoặc test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2 (2 lần). Những trường hợp này được phát hiện qua tầm soát ngẫu nhiên, chưa được quản lý.
[Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng hơn 1 triệu ca mắc COVID-19]
Người dân tự test nhanh có kết quả dương tính, cần báo ngay cho y tế, chính quyền địa phương. Ủy ban Nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo trạm y tế hoặc trạm y tế lưu động tiếp nhận thông tin khai báo của người dân; phối hợp với Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng tiếp cận, khám, ghi nhận thông tin tình hình sức khỏe và các điều kiện cách ly tại nhà của người bệnh.
Sau đó, trạm y tế, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng tổ chức điều tra, truy vết F1, F2 và xét nghiệm test nhanh đối với tất cả F1. Dựa vào các mốc dịch tễ, lực lượng chức năng sẽ xác định mức nguy cơ dịch bệnh; tổ chức cách ly F0 tại nhà theo nguyên tắc đảm bảo an toàn, không làm lây nhiễm thứ phát cho những người xung quanh; quản lý danh sách ca F0, F1; thực hiện xét nghiệm tại khu vực ổ dịch.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan công sở, cơ sở giáo dục thực hiện xét nghiệm tầm soát định kỳ, nếu phát hiện có ca dương tính thì bố trí nơi cách ly tạm thời cho những người này; đồng thời, thông báo cho trung tâm y tế huyện, thành phố, Ủy ban Nhân dân cấp xã.
Trong vòng 24-48 giờ kể từ khi nhận được danh sách người có kết quả xét nghiệm dương tính, trung tâm y tế huyện phối hợp với Ủy ban Nhân dân cấp xã chỉ đạo các trạm y tế đưa người có kết quả dương tính về địa phương cách ly; sau đó, xử lý, quản lý như F0.
Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nếu để F0 tự ý di chuyển về địa phương làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thì giám đốc, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tây Ninh thực hiện các quy định mới về phòng, chống dịch
Ngày 11/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các quy định mới về phòng, chống dịch; linh hoạt thích ứng an toàn trong trạng thái bình thường mới.
Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và toàn xã hội, không chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh; thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và tích cực tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân; tích cực thực hiện khai báo y tế điện tử và quét mã QR tại các địa điểm.
Các huyện, xã thuộc vùng nguy cơ cấp độ 2, 3 , 4 phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi tổ chức các hoạt động không đúng cấp độ dịch qui định, nhất là hành vi không đảm bảo đảm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.
Đối với các hoạt động trong nhà, ngoài trời (nhất là các hoạt động đông người như đám cưới, hiếu hỉ, tang chế...), người tham gia phải tiêm ít nhất một mũi vaccine hoặc đã khỏi COVID -19 không quá 6 tháng; bảo đảm nguyên tắc 5K; không tập trung quá 30 người tại cùng một thời điểm, bảo đảm khoảng cách 1,5m.
Địa bàn ở vùng nguy cơ cấp độ 3 (nguy cơ cao - màu cam), không tập trung quá 20 người tại cùng một thời điểm; vùng nguy cơ cấp độ 4 (nguy cơ rất cao - màu đỏ), phải tạm dừng các hoạt động trong nhà, ngoài trời.
Hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh và liên tỉnh cần đảm bảo không vượt quá 50% số lượng phương tiện hoạt động, số lượng người, đảm bảo giãn cách chỗ trên phương tiện, “thực hiện đúng nguyên tắc 5K, nhất là khai báo y tế, sát khuẩn, nhằm hạn chế lây nhiễm tại bến bãi và hành khách trên xe."
Đối với địa bàn thuộc vùng nguy cơ cấp độ 3, hoạt động không vượt quá 20% số lượng phương tiện; các tuyến cố định, không quá 30% số chuyến/tuyến theo lưu lượng đã công bố; đảm bảo giãn cách chỗ trên phương tiện; đối với các địa bàn thuộc vùng nguy cơ cấp độ 4, tạm dừng hoạt động./.