Thực hư thông tin Triều Tiên nối lại hoạt động sản xuất ICBM

Joel Wit, người từng là nhà đàm phán của Bộ Ngoại giao và cũng là người sáng lập ra 38 North, cho rằng việc kỳ vọng Bình Nhưỡng sẽ đình chỉ các chương trình hạt nhân của họ là "thiếu thực tế."
Thực hư thông tin Triều Tiên nối lại hoạt động sản xuất ICBM ảnh 1Hình ảnh phát trên truyền hình tại một nhà ga Seoul (Hàn Quốc) về vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên hồi giữa năm 2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Đài TNHK/AFP/Kyodo, ngày 30/7, giữa lúc đang diễn ra các cuộc thảo luận để tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, một quan chức cấp cao của Mỹ thông báo vệ tinh tình báo Mỹ đã phát hiện hoạt động mới tại nhà máy của Triều Tiên từng sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên có khả năng phóng tới Mỹ.

Một quan chức yêu cầu giấu tên phát biểu với hãng Reuters rằng hình ảnh và ảnh hồng ngoại cho thấy các phương tiện di chuyển ra vào cơ sở hạt nhân ở Sanumdong, nhưng ảnh không cho thấy công trình xây dựng tên lửa đã tiến tới đâu.

Tờ The Washington Post, dẫn lời các quan chức giấu tên quen thuộc với báo cáo tình báo Mỹ, ngày 30/7 đưa tin rằng Triều Tiên dường như đang chế tạo một hoặc hai ICBM mới, sử dụng nhiên liệu lỏng, tại một cơ sở nghiên cứu lớn ở ngoại ô Bình Nhưỡng.

Trao đổi với Reuters, giới chức nói trên cho biết bức ảnh chụp một xe tải lôi theo một xe kéo được phủ kín, tương tự như loại xe mà Triều Tiên đã từng sử dụng để di chuyển ICBM. Vì xe kéo được trùm kín nên người xem không biết được chiếc xe chở cái gì, nếu có.

Nhà Trắng cho biết họ không bình luận về tin tình báo. Một quan chức cấp cao tại văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang theo sát những sự di chuyển của Triều Tiên, và từ chối bình luận thêm.

Chứng cứ thu thập được trong tháng này là thông tin mới nhất cho thấy bất chấp cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6/2018, hoạt động vẫn tiếp diễn tại các cơ sở hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.

Đây không phải là lần đầu tiên thông tin tình báo Mỹ đi ngược với sự lạc quan của Tổng thống Trump. Vào cuối tháng 6/2018, các quan chức Mỹ nói với truyền thông trong nước rằng các cơ quan tình báo tin rằng Triều Tiên đã gia tăng sản xuất nhiên liệu để dùng cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân, và Bình Nhưỡng không có ý định sẽ hoàn toàn từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ.

Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói Triều Tiên vẫn tiếp tục sản xuất nhiên liệu cho bom hạt nhân dù họ đã cam kết sẽ phi hạt nhân hóa. Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Pompeo vẫn nhấn mạnh rằng chính quyền Tổng thống Trump vẫn đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng.

Joel Wit, người từng là nhà đàm phán của Bộ Ngoại giao và cũng là người sáng lập ra 38 North, một tổ chức theo dõi các vấn đề Triều Tiên, cho rằng việc kỳ vọng Bình Nhưỡng sẽ đình chỉ các chương trình hạt nhân của họ là “thiếu thực tế,” cho đến khi mực đã ráo trên thỏa thuận. Đó cũng là điều đã từng xảy ra với các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Liên bang Xô Viết cũ trong thời Chiến tranh Lạnh, và gần đây hơn, với Iran.

Harry Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia ở Washington, cho rằng các diễn biến này không hề gây bất ngờ bởi Triều Tiên chỉ đơn thuần thực hiện những gì ông Kim đã hứa trong bài phát biểu hồi tháng 1/2018.

[Tình báo Mỹ: Có dấu hiệu Triều Tiên đang phát triển tên lửa mới]

Phát biểu với hãng AFP, ông Kazianis nói: “Tôi không hề cảm thấy bất ngờ. Ông Kim đã nói rõ rằng: Triều Tiên sẽ sản xuất hàng loạt tên lửa và vũ khí hạt nhân."

Vipin Narang, Giáo sư nghiên cứu an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho rằng ông Kim không gian lận mà chỉ đơn thuần lợi dụng việc thiếu vắng các cam kết cụ thể.

Ông Narang viết trên Twitter: “Đó chính là những điều mà ông ta nói sẽ làm. Và chúng ta chưa trao cho ông ta bất kỳ sự khuyến khích nào để đóng băng hoạt động sản xuất vũ khí. Không phải ông Kim đang lừa chúng ta, mà đó là sự thất bại liên tục của chính sách Mỹ."

Bruce Bennett, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức Rand Corporation, cho rằng các động thái mới đây của Triều Tiên là một cách để gây sức ép buộc Washington phải nhượng bộ trong các lệnh trừng phạt.

Ông Bennett phát biểu với AFP: “Triều Tiên biết rõ chúng ta đang theo dõi họ." Họ đang tìm cách buộc chúng ta đưa ra “sự nhượng bộ theo cách có thể thuyết phục họ nên ngừng hoạt động sản xuất."

Trong một diễn biến khác, ngày 31/7, Nhật Bản và Nga đã nhất trí tham gia lực lượng để thực thi việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và thúc đẩy hợp tác an ninh. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera đã gặp gỡ 2 nhà đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Sergei Shoigu trong cuộc họp “2+2”, sau các cuộc họp trực tiếp giữa 2 ngoại trưởng và 2 bộ trưởng quốc phòng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng ông đang tìm kiếm cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhưng sẽ không xem xét hợp tác kinh tế hay bình thường hóa quan hệ mà không có một nghị quyết về vấn đề các công dân Nhật Bản bị Bình Nhưỡng bắt cóc hồi những năm 1970 và 1980./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục