Lựa chọn sáng suốt nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên

Những ồn ào xung quanh thượng đỉnh Mỹ-Triều đã khép lại, và giờ là lúc Washington và Seoul sẽ phải đánh giá xem liệu mục tiêu giải giáp chương trình hạt nhân của Triều Tiên có thực sự khả thi?
Lựa chọn sáng suốt nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên ảnh 1Khói bốc lên sau khi Triều Tiên phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri ngày 24/5. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo The Atlantic/ Kyodo, ngày 12/7 là vừa tròn một tháng kể từ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử tại Singapore giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Bản tuyên bố chung dài 4 trang sau cuộc gặp đã làm dấy lên những kỳ vọng rằng cuối cùng Triều Tiên cũng sẵn sàng đưa ra một quyết định chiến lược là từ bỏ chương trình hạt nhân đang theo đuổi và hòa nhập với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên điều này đồng thời cũng đặt gánh nặng lên vai Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đòi hỏi ông phải biến những cam kết mong manh thành hiện thực, đặc biệt là những hứa hẹn giải giáp hạt nhân của Chính quyền Bình Nhưỡng.

[Mỹ không làm chệch hướng đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên]

The Atlantic cho rằng những ồn ào xung quanh thượng đỉnh Mỹ-Triều đã khép lại, và giờ là lúc Washington và Seoul sẽ phải đánh giá xem liệu mục tiêu giải giáp chương trình hạt nhân của Triều Tiên có thực sự khả thi hay không.

Vấn đề đặt ra là Mỹ và Triều Tiên đang ở đâu sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6 và liên tiếp ba chuyến công du tới Bình Nhưỡng của Mike Pompeo.

Chuyến công du của ông Pompeo - không đem lại kết quả gì ngoài tuyên bố đầy gay gắt của Bộ Ngoại giao Triều Tiên - càng làm rõ một mâu thuẫn căn bản trong vấn đề cần ưu tiên giải quyết trước mắt trong các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng, đó là hai bên sẽ lựa chọn thúc đẩy quan hệ trước, hay hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa đầu tiên? Theo đánh giá chung, các nỗ lực hóa giải căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đều có thể đi tới thất bại nếu các bên quá tham vọng khi tiến hành song song các nỗ lực này.

Chính quyền Bình Nhưỡng vẫn chưa tiến hành trao trả hài cốt các binh sỹ Mỹ bị thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, phần nhiều là bởi quân đội nước này muốn Mỹ phải có những đền bù xứng đáng như họ từng yêu cầu trong quá khứ.

Triều Tiên cũng được cho là chưa phá hủy hoàn toàn cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa như ông Donald Trump đã đề cập. Hơn nữa, hiện có nhiều đồn đoán rằng cơ sở này vốn chỉ là nơi thử nghiệm các động cơ tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu lỏng, một loại công nghệ lạc hậu (và không còn nhiều giá trị) trong khi Triều Tiên đã chuyển hướng phát triển các loại động cơ tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn tân tiến hơn.

Các bình chứa nhiên liệu rắn không bị ăn mòn như các loại bình chứa nhiên liệu dạng lỏng và dễ “chống chọi” hơn trong các cuộc tấn công phủ đầu bởi Mỹ không có đủ thời gian để xác định chính xác vị trí trước khi tấn công.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho rằng Chính quyền Bình Nhưỡng không nên chấp nhận đề nghị giải giáp hạt nhân của Washington nếu không kèm theo một loạt động thái như gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, ngừng các cuộc tập trận thường niên của liên quân Mỹ-Hàn, ký kết hiệp định hòa bình, rút quân đồn trú về nước và gỡ bỏ “chiếc ô hạt nhân” tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đối với Triều Tiên, lòng tin là thứ quan trọng nhất, và điều đó chỉ có được qua việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn. Bộ Ngoại giao nước này khẳng định rằng việc nhanh chóng ra tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), sẽ là bước “đầu tiên” trong việc “giảm căng thẳng” và “tạo dựng lòng tin.”

Cho Yoon Je, Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ, bình luận: “Kim có thể vẫn chần chừ trong việc từ bỏ chương trình hạt nhân bởi ông ta vẫn chưa nhận được bất kỳ ‘bảo đảm rõ ràng cho an ninh chế độ,” song tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trong những tháng tới có thể là động thái trấn an cần thiết thúc đẩy Triều Tiên tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn và xúc tiến hiệp ước hòa bình cuối cùng.

Ông nhấn mạnh: “Chính quyền Kim có thể sẽ bớt do dự với việc giải giáp chương trình hạt nhân có kiểm chứng hơn nếu họ xem Mỹ và Hàn Quốc là bè bạn.”

Sự chần chừ của Triều Tiên cùng thái độ gay gắt mà Bình Nhưỡng thể hiện sau chuyến công du của Ngoại trưởng Mike Pompeo không chỉ là vấn đề khiến Hàn Quốc và Mỹ đau đầu mà còn là thách thức lớn đối với Nhật Bản, nhân tố trực tiếp liên quan tới các diễn biến ở khu vực Đông Á. Có 3 lý do dẫn tới nhận định này.

Thứ nhất, không có gì đảm bảo rằng Chính quyền Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chương trình tên lửa tầm ngắn và tầm trung trong khi Tổng thống Trump lại đặt ưu tiên hàng đầu cho việc chấm dứt mối đe dọa của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đối với các mục tiêu trên đất Mỹ.

Chính bất đồng trong mục tiêu về giải giáp vũ khí Triều Tiên giữa Mỹ và Nhật Bản có thể sẽ trở thành yếu tố làm xói mòn mối quan hệ của hai đồng minh này.

Thứ hai, một loạt các cuộc gặp diễn ra liên tiếp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Tổng thống Trump có thể phản tác dụng và khiến nhà lãnh đạo Mỹ mãi đề cập tới vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc trong cuộc gặp với Kim Jong-un mà quên mất rằng Nhật Bản vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa từ các vũ khí truyền thống và tên lửa tầm ngắn từ Triều Tiên.

Thứ ba, bế tắc giữa Mỹ và Triều Tiên trong vấn đề phi hạt nhân hóa cũng có thể khiến mối quan hệ Nhật-Hàn trở nên xấu đi. Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in, hiện đang ra sức bảo vệ và thúc đẩy thỏa thuận đã đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi cuối tháng 4 vừa qua.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore vừa qua, Seoul càng tích cực xúc tiến các trao đổi để cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng cho dù chưa có bất kỳ tiến triển cụ thể nào trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Điều này có thể khiến quan hệ giữa Seoul và Tokyo nảy sinh bất đồng, nhất là khi Nhật Bản rất nghi ngờ thiện chí của Bình Nhưỡng.

Trong giai đoạn "ngoại giao thượng đỉnh" ở Đông Bắc Á, Nhật Bản cũng đã đánh tiếng về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Shinzo Abe và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, song sự kiện này khó diễn ra trong tương lai gần.

Mục tiêu mà Tokyo đặt ra trong cuộc gặp Nhật-Triều vẫn chưa rõ ràng bởi lịch sử cho thấy Bình Nhưỡng sẽ không để tâm đến các yêu cầu của Tokyo trừ phi mối quan hệ của họ với Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc xấu đi.

Xét cho cùng, dù thượng đỉnh giữa Shinzo Abe và Kim Jong-un có diễn ra hay không thì việc duy trì phối hợp chính sách ba bên Mỹ- Nhật- Hàn vẫn là yếu tố đặc biệt quan trọng, bởi việc duy trì các lệnh trừng phạt nhằm gây sức ép cho đến nay vẫn được xem là lựa chọn sáng suốt nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục