Nhiều chông gai trong đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên

Dù nhận thấy tiến triển ở Bình Nhưỡng, nhưng Mỹ sẽ không nới lỏng cơ chế trừng phạt hiện tại hoặc thay đổi cam kết “sắt đá” về bảo vệ đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhiều chông gai trong đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên ảnh 1Khói bốc lên sau khi Triều Tiên phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri ngày 24/5. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo hãng Reuters/RFI, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định rằng ông sẽ tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên. Tuyên bố trên của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ được đưa ra ngày 8/7 sau cuộc gặp người đồng cấp của Nhật Bản và Hàn Quốc.


[Mỹ cam kết giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên]

Tại Tokyo, ông Pompeo nói rằng vẫn còn nhiều việc phải làm, song bày tỏ tin tưởng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thực hiện cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân như đã “hứa” tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore hôm 12/6.

Tại buổi họp báo, Pompeo thừa nhận: “Con đường phía trước sẽ khó khăn và thách thức trong khi chúng ta hiểu rằng giới chỉ trích sẽ chỉ ghi nhận ở mức tối thiểu những gì chúng ta đạt được.”

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói rằng mặc dù ông nhìn nhận tiến triển ở Bình Nhưỡng, nhưng Mỹ sẽ không nới lỏng cơ chế trừng phạt hiện tại hoặc thay đổi cam kết “sắt đá” về bảo vệ đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuyên bố này của Pompeo được đưa ra sau khi Triều Tiên nói rằng các cuộc đàm phán đã “đưa chúng ta đến một tình huống khó khăn nơi mà chúng ta có thể bị dao động bởi ý chí không thể lung lay về phi hạt nhân hóa, hơn là củng cố niềm tin.”

Thông điệp này, vốn được phát đi từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngay sau khi ông Pompeo rời Bình Nhưỡng, đã làm dấy lên những nghi ngờ về tương lai của các cuộc đàm phán mà Pompeo đang nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đe dọa Mỹ.

Giới nghị sỹ hàng đầu của Mỹ đã bày tỏ quan ngại về những ngôn từ gay gắt của Bình Nhưỡng đồng thời kêu gọi chính quyền Trump duy trì sức ép đối với quốc gia Đông Bắc Á này.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Joni Ernst, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cho rằng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc vốn đã bị đình lại để thể hiện thiện chí của Washington với Bình Nhưỡng cần “sớm” được nối lại nếu các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa gặp khó khăn.

Reuters bình luận rằng những thông điệp mới nhất của Triều Tiên như một lời nhắc nhở về những khó khăn mà các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ gặp phải trong quá trình đàm phán với Triều Tiên.

Trước đó, những thông tin tình báo của Mỹ bị rò rỉ cho thấy Triều Tiên không hề có ý định từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình.


Nhiều khó khăn hiện hữu

Trong một diễn biến khác, ông Pompeo nói rằng ông đã không gặp nhà lãnh đạo Kim trong chuyến thăm vừa qua ở Bình Nhưỡng, dù trước khi bắt đầu chuyến đi này, Nhà Trắng thông báo Pompeo sẽ gặp Kim.

Ông Pompeo khẳng định: “Mỹ đã rõ ràng về điều mong muốn từ Bình Nhưỡng… Sự lựa chọn giờ đây phụ thuộc vào Triều Tiên và người dân của họ.”

Một số nhà phân tích và nghị sỹ đã cảnh báo các cuộc đàm phán dường như rơi vào khó khăn, trong khi số khác cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang có những ý định riêng khi đàm phán.

 

Bình luận trên mạng xã hội Twitter, Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Quốc tế, cho rằng xuất hiện nguy cơ xảy ra hành động quân sự vì lúc này Trump có thể cho rằng ông đã nỗ lực ngoại giao hết sức song đã bị Kim “phản bội” những nỗ lực này.

“Một cuộc gặp thượng đỉnh vội vàng rồi sau đó yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa không phải là một phép thử nghiêm túc cho biện pháp ngoại giao”, Haass nhận định.

“Những bước đi đầu tiên”

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói rằng Seoul không tin là Washington đã giảm nhẹ các yêu cầu đối với Bình Nhưỡng, song đánh giá chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo vào thời điểm này là “những bước đi đầu tiên” dẫn đến các cuộc đàm phán mang tính xây dựng và hiệu quả hơn nữa.

Chuyến thăm Nhật Bản nối tiếp sau Bình Nhưỡng là nhằm thảo luận mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật đồng thời duy trì “sức ép tối đa” đối với Triều Tiên, điều mà chính quyền Trump không hề nhắc đến sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore.

Thông báo với Tokyo, Pompeo nói rằng ông đã thúc đẩy Bình Nhưỡng cam kết phá hủy một địa điểm thử động cơ tên lửa. Theo Pompeo, các cuộc đối thoại đã đạt được một thỏa thuận nhằm thiết lập một nhóm “công tác” để giám sát các cuộc trao đổi và tiếp xúc hàng ngày giữa Mỹ và Triều Tiên.

Giới chức hai bên sẽ gặp gỡ vào tuần tới tại Panmunjom để thảo luận về việc hồi hương hài cốt gần 7.000 binh sỹ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Trong khi đó, về phía Bình Nhưỡng, KCNA nói rằng Triều Tiên đã đề nghị thảo luận về việc tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên để kỷ niệm ngày ký kết hiệp ước đình chiến. Tuy nhiên, KCNA nói rằng phía Mỹ đã tỏ ra không mấy quan tâm và đưa ra những “điều kiện và lý do nhất định”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục