Sau màn "vung gươm múa kiếm" tưởng chừng sẽ đẩy Bán đảo Triều Tiên đến một chiến tranh thảm khốc, trạng thái "căng như dây đàn" đã có dấu hiệu chùng bớt và "thùng thuốc súng" chực nổ xem ra đã tạm được tháo ngòi.
Kịch bản này hoàn toàn không quá bất ngờ trong bối cảnh lựa chọn quân sự rõ ràng không phải là giải pháp khôn ngoan cho tranh cãi về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Hơn ai hết, 2 nhân vật chính trong cuộc đua của “bão lửa và cơn thịnh nộ” vừa qua trên Bán đảo Triều Tiên là Washington và Bình Nhưỡng đều nhận thức được rằng những thiệt hại có thể xảy đến với mình và thế giới là vô cùng thảm khốc và “ngoài sức tưởng tượng” trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột quân sự kéo theo một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Trong lịch sử, nhiều đời tổng thống Mỹ, trong đó có cố Tổng thống Dwight Eisenhower quan niệm rằng "với vũ khí hạt nhân, chiến tranh không chỉ trở thành thảm kịch mà còn trở nên phi nghĩa" và cần thúc đẩy ngoại giao thay vì chạy đua vũ trang.
Đây có lẽ là lý do mà lâu nay Mỹ vẫn theo đuổi biện pháp “song trùng” đối với Triều Tiên khi một mặt liên tục đưa ra những cảnh báo cứng rắn, còn mặt khác vẫn ưu tiên các biện pháp ngoại giao.
Thậm chí Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gây ngạc nhiên với tuyên bố Washington không phải là kẻ thù của Bình Nhưỡng cũng như không hề muốn “thay đổi chế độ hoặc sự sụp đổ của chính quyền Triều Tiên.”
Trái lại, Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên và các sức ép về kinh tế chỉ nhằm buộc Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán.
["Đã đến lúc chấp nhận Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân"]
Về phần mình, không phải ngẫu nhiên Triều Tiên bất ngờ tuyên bố hoãn kế hoạch phóng tên lửa nhằm vào đảo Guam - vùng lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương, nhất là khi nước này đã tiến hành một loạt động thái mà phương Tây cho là "khiêu khích," trong đó có việc phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa, bất chấp sự phản đối và các lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế.
Bản thân Bình Nhưỡng hiểu rằng một cuộc đối đầu trực diện với liên minh Mỹ-Hàn chẳng khác gì "trứng chọi với đá" khi liên minh này sở hữu các hệ thống vũ khí hiện đại với sức công phá cực lớn, còn Mỹ luôn khẳng định vị trí độc tôn là siêu cường số 1 thế giới.
Dù thừa nhận công nghệ phát triển tên lửa của Triều Tiên đã đạt những tiến bộ nhất định, song giới chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về uy lực thực sự của nó khi bắn tới Mỹ.
Chưa kể, nếu theo đuổi “cuộc chơi” này đến cùng, Triều Tiên sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất cả về người và của đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang phải vật lộn với các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế và những thiệt hại vô cùng lớn do thiên tai gây ra.
Có thể nói, ngoài 2 “chủ trò” chính là Mỹ-Triều thì cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các bên liên quan trực tiếp tham gia đàm phán 6 bên gồm Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đóng vai trò trong việc xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Là nước “chung vách” với Triều Tiên, Hàn Quốc lâu nay vẫn phải “sống trong sợ hãi” trước mối đe dọa thực sự từ tên lửa của nước láng giềng.
Chỉ cách Khu phi quân sự (DMZ) vỏn vẹn khoảng 50 km, thủ đô Seoul của Hàn Quốc hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của các vụ tấn công bằng tên lửa của Triều Tiên.
Vì thế, không ít lần Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã phải trấn an dư luận với tuyên bố sẽ không có bất cứ hành động quân sự nào trên Bán đảo Triều Tiên nếu chưa có sự đồng thuận của nước này và Seoul sẽ ngăn chặn chiến tranh bằng mọi giá.
Là người theo đuổi “Chính sách Ánh dương”, ông tin tưởng vào việc hợp tác, thay vì tuyên chiến để giải quyết căng thẳng với Triều Tiên.
Điều này không phải là không có cơ sở khi các biện pháp trừng phạt thời gian qua luôn bị coi là phản tác dụng đối với Bình Nhưỡng, trong khi các cuộc đối thoại trước đây xem ra mang lại hiệu quả tích cực hơn.
Do đó, chính quyền mới của Hàn Quốc đã rất tích cực tham vấn với các nước đồng minh như Mỹ và Nhật Bản nhằm tìm cách tháo ngòi căng thẳng, cũng như liên tục đưa ra các đề xuất đối thoại.
Dù ở cách xa Triều Tiên hơn, song Nhật Bản vẫn bị đe dọa chìm trong “đám mây hạt nhân”. Tokyo chắc chắn không thể “khoanh tay” đứng nhìn khi an ninh lãnh thổ luôn bị đe dọa, nhất là khi Vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Nhật Bản nhiều lần trở thành bãi đáp của tên lửa Triều Tiên trong các vụ phóng thử.
Không chỉ vậy, đất nước "Mặt Trời mọc" còn phải đối mặt với nguy cơ tên lửa Triều Tiên bay qua không phận, thể hiện trong kế hoạch chi tiết tấn công các khu vực bao quanh Guam.
Tuy nhiên, về mặt pháp lý, Nhật Bản không được phép đánh chặn tên lửa tới Guam. Đe dọa của Triều Tiên càng rõ nét, Nhật Bản sẽ càng phải căng mình đối phó.
Nhiều năm qua, Nhật Bản luôn tự hào về việc không phải đặt nặng ưu tiên cho việc phát triển khả năng phòng thủ, song nếu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên bị đẩy lên cao hơn, Tokyo sẽ buộc phải thay đổi chính sách trước đây của mình, kéo theo khoản chi phí không hề nhỏ.
Vì vậy, ưu tiên trước mắt của Tokyo theo đuổi biện pháp ngoại giao và hối thúc Mỹ-Triều Tiên đối thoại giảm căng thẳng là hoàn toàn hợp lý.
Trong khi đó, mỗi lần tình hình trên Bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng, Trung Quốc và Nga luôn là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất.
Với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, mọi kịch bản leo thang quân sự hay thay đổi chế độ tại Triều Tiên luôn tiềm ẩn những rủi ro khôn lường không chỉ về kinh tế, thương mại, di cư mà còn cả an ninh.
Lâu nay, Triều Tiên luôn được xem là "vùng đệm phía Bắc," như một rào chắn vững chắc giữa Trung Quốc với một liên minh quân sự khu vực do Mỹ đứng đầu.
Một cuộc đối đầu quân sự Mỹ-Triều Tiên rõ ràng đi ngược lại lợi ích cốt lõi và những mục tiêu địa chính trị của Trung Quốc ở khu vực.
Còn với Nga, việc đóng vai trò tích cực trong hạ nhiệt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên sẽ giúp nước này có vị thế vững chắc hơn trên trường quốc tế cũng như gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Đông Bắc Á mà Moskva cũng chia sẻ nhiều lợi ích.
Nga đang có lợi thế hơn với vai trò là điều phối “cuộc chơi” bởi mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Bình Nhưỡng trong khi không bị Washington gây sức ép trong vấn đề Triều Tiên như với Bắc Kinh.
Do đó, Nga và Trung Quốc đã đưa ra một đề xuất chung về “đình chỉ kép,” theo đó, kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong khi Washington cùng Seoul ngừng các cuộc tập trận chung cũng như kêu gọi các bên có liên quan tiến hành đối thoại.
Cho dù Mỹ-Hàn không chấp thuận đề xuất trên với biện minh rằng các cuộc tập trận thường niên mà Washington tiến hành với đồng minh của mình đơn thuần chỉ nhằm tăng cường khả năng phòng vệ, song Nga Trung đã ghi điểm lớn khi nhận được sự ủng hộ của một số nước trong đó có Đức.
Việc tìm ra “lời giải” cho “bài toán” hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên không chỉ góp phần quan trọng vào hòa bình và an ninh khu vực Đông Bắc Á mà còn là điều kiện tiên quyết hướng tới thống nhất Bán đảo Triều Tiên.
Những gì đang diễn ra đòi hỏi các bên liên quan phải tìm ra một kênh liên lạc hữu hiệu nhằm thúc đẩy cơ hội quay trở lại bàn đàm phán 6 bên để dần tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc nhằm đi đến mục tiêu chung là một không gian phát triển hòa bình, ổn định cho khu vực Đông Bắc Á./.