Thuốc chữa khớp Trung Quốc chứa chất gây ung thư

Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố một phát hiện có thể gây lo ngại cho người sử dụng thuốc đông y Trung Quốc chữa các bệnh về khớp.
Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố một phát hiện có thể gây lo ngại cho người sử dụng thuốc đông y Trung Quốc chữa các bệnh về khớp.

Theo tạp chí y học Mỹ Science Translational Medicine số ra ngày 7/8, chất acid aristolochic - chiết xuất từ một loài thảo mộc thuộc họ dây leo mà đông y Trung Quốc thường dùng để điều chế thuốc chống viêm hay điều trị các bệnh về khớp, gút - có thể gây biến đổi gen một cách đáng kinh ngạc và liên quan trực tiếp đến bệnh ung thư.

Từ hàng trăm năm nay, đông y Trung Quốc đã sử dụng acid aristolochic từ thảo mộc trong các bài thuốc điều trị khớp và chống viêm.

Tuy nhiên, giáo sư Kenneth Kinzler làm việc tại trung tâm Johns Hopkins Kimmel Cancer Center's Ludwig Center (thuộc Cancer Genetics and Therapeutics của Mỹ), cho biết công trình nghiên cứu mới nhất của ông và các cộng sự chỉ ra rằng acid aristolochic gây biến đổi gen rất mạnh, và hiện tượng này được tìm thấy ở 19 bệnh nhân người Đài Loan (Trung Quốc) bị ung thư đường tiết niệu cao.

Mặc dù giới khoa học từ lâu đã biết rằng acid aristolochic là chất gây ung thư, song đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên chứng minh rằng acid aristolochic gây biến đổi gen mạnh hơn cả thuốc lá (gây ung thư phổi) và tia cực tím (gây ung thư da).

Trong khối u của những bệnh nhân nói trên, các nhà khoa học Mỹ tìm thấy có tới 150 đột biến gen trong mỗi megabase, cao hơn nhiều so với 8 đột biến gen/megabase ở bệnh nhân ung thư phổi do thuốc lá và 111 đột biến gen/megabase ở bệnh nhân ung thư da do tia cực tím.

Qua xét nghiệm, trong cơ thể của 19 bệnh nhân này đều có acid aristolochic và khối u của họ có tới 753 đột biến gen, trong khi ở 7 bệnh nhân khác cũng bị ung thư đường tiết niệu cao và chưa bao giờ tiếp xúc với acid aristolochic thì khối u của họ chỉ có 91 đột biến gen.

Việc hiểu rõ hơn tác nhân gây đột biến gen của acid aristolochic chiết xuất từ thảo mộc họ dây leo nói trên sẽ giúp các nhà nghiên cứu xác định được tác động của nó đến việc gây ung thư các cơ quan nội tạng khác (ngoài đường tiết niệu cao).

Giáo sư Kenneth Kinzler nói: "Nhờ công nghệ chuỗi gen, chúng tôi đã xác định được sự liên quan trực tiếp giữa acid aristolochic và đột biến gen. Công nghệ này cho phép chúng tôi nhận diện được dấu hiệu đột biến gen để khẳng định chắc chắn rằng có một độc tố gây ung thư."

Vì yếu tố gây ung thư của thảo dược này, từ năm 2001, nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ đã cấm sử dụng acid aristolochic trong bào chế thuốc. Đến năm 2003, thêm nhiều nước châu Á, trong đó có Nhật Bản, cũng đưa ra lệnh cấm này.

Ngay cả khi giới khoa học từ nhiều năm trước đã biết rằng acid aristolochic gây ung thư, nhưng cho đến nay nguy hiểm này vẫn chưa được biết đến một cách rộng rãi.

Vì thế mà dù Cơ quan quản lý Dược phẩm Mỹ (FDA) đã ra cảnh báo đầu tiên từ năm 2001 nhưng thảo dược này vẫn được mua bán qua mạng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục