Thuốc COVID-19 của AstraZeneca không có hiệu quả ngăn chặn triệu chứng

Theo AstraZeneca, tham gia thử nghiệm là những người trên 18 tuổi chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và đã tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19 trong vòng 8 ngày kể từ thời điểm tham gia nghiên cứu.
Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters.)

Ngày 15/6, hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) thông báo kết quả nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 mang tên AZD7442 của hãng cho thấy loại thuốc kết hợp kháng thể đơn dòng này không giúp ngăn chặn các triệu chứng ở những người phơi nhiễm virus SARS-CoV-2. 

Theo AstraZeneca, tham gia thử nghiệm là những người trên 18 tuổi chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và đã tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19 trong vòng 8 ngày kể từ thời điểm tham gia nghiên cứu.

Kết quả thử nghiệm cho thấy thuốc AZD7442 không làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển các triệu chứng của COVID-19 so với giả dược, cụ thể chỉ là 33%.

Phó Giám đốc điều hành của AstraZeneca, ông Mene Pangalos, xác nhận AZD7442 không đáp ứng mục tiêu thử nghiệm là ngăn chặn triệu chứng xuất hiện ở bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, ông cho biết một kết quả đáng khích lệ của cuộc thử nghiệm là những bệnh nhân sau khi được điều trị bằng AZD7442 đã có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. 

Hiện AstraZeneca cũng đang nghiên cứu hiệu quả của thuốc AZD7442 trong việc ngăn chặn bệnh COVID-19 tiến triển nặng hơn.

[Việt Nam sẽ có thêm 6 triệu liều vaccine của AstraZeneca và Pfizer]

Theo AstraZeneca, AZD7442 là loại thuốc kết hợp hai kháng thể đơn (mAbs) và được phát triển với sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ. Hồi tháng 3 vừa qua, AstraZeneca công bố thỏa thuận cung ứng cho Mỹ 500.000 liều AZD7442 trị giá 205 triệu USD. Hiện AstraZeneca đang đàm phán với Chính phủ Mỹ về các bước tiếp theo của thỏa thuận.

Ngoài AstraZeneca, hai hãng dược phẩm Rivals Regeneron Pharmaceuticals và Eli Lilly & Co cũng đã phát triển liệu pháp kháng thể đơn dòng trong điều trị COVID-19 và đã được Mỹ cấp phép sử dụng. Tại châu Âu, cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê chuẩn việc lưu hành thuốc điều trị của Regeneron và đang xem xét "bật đèn xanh" cho các thuốc điều trị của Eli Lilly, Celltrion và GlaxoSmithKline/Vir Biotechnology.

Cùng ngày, hãng dược Daiichi Sankyo của Nhật Bản công bố quyết định ngừng thử nghiệm thuốc chữa viêm tụy cấp tính Nafamostat mesylate trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc Nafamostat mesylate dạng hít trong điều trị COVID-19 được Daiichi Sankyo bắt đầu tiến hành vào tháng 3 vừa qua. Daiichi Sankyo không nêu lý do ngừng thử nghiệm thuốc này. Tuy nhiên, theo báo Nikkei của Nhật Bản, cuộc thử nghiệm bị ngừng do lo ngại vấn đề an toàn.

Trước đó, các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết thuốc điều trị viêm tụy cấp tính Nafamostat mesylate có hiệu quả trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn đầu.

Thuốc Nafamostat mesylate được sử dụng phổ biến tại Nhật Bản trong 30 năm qua, do đó các nhà khoa học khẳng định có đầy đủ dữ liệu lâm sàng để xác nhận độ an toàn của thuốc này./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục