Thuốc nào trị hết "bệnh” hành hung nhà báo?

Có những vụ các đối tượng dùng vũ lực, đánh đập nhà báo dã man, song lại chỉ bị xử phạt ở hình thức khá nhẹ, gây bức xúc trong dư luận.
Mới chỉ từ tháng 1/2010 tới nay, đã có ít nhất 7 vụ hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp. Thậm chí, có những vụ các đối tượng đã dùng vũ lực, đánh đập các nhà báo rất dã man, song lại chỉ bị xử phạt ở hình thức khá nhẹ, gây bức xúc trong dư luận.

Ngày 26/4, báo điện tử Nhà báo và Công luận đã tổ chức hội thảo, lấy ý kiến để đề xuất các ban, ngành nhằm tạo một cơ chế, hướng dẫn cụ thể với hành vi cản trở, hành hung nhà báo đang tác nghiệp.

Đừng vô cảm nhìn máu nhà báo đổ

Hơn lúc nào hết, những người làm báo Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ việc cản trở tác nghiệp, đe dọa tính mạng khi lao vào những điểm nóng.

Nhà báo Hoàng Dưỡng, nguyên trưởng Đài Phát thanh Truyền hình huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) ngậm ngùi bảo, trước lúc ông ra Hà Nội dự hội thảo, một đồng nghiệp ở huyện Ea Súp kể vừa đi phản ánh tình trạng buôn gỗ lậu tại địa bàn. Đài phát hôm trước, hôm sau có người đến gặp và bảo: “Mạng chúng mày chỉ 5 triệu đồng là xong.”

Nói đến đó, ông Dưỡng nhớ lại năm 2008, khi quyết tâm phanh phui việc vận chuyển gỗ lậu, ông đã bị kẻ gian trả thù bằng cách đánh hội đồng khi đang chơi với gia đình. Vụ việc đã được cơ quan chức năng xử lý, khởi tố. Song tòa lại không đưa tình tiết trả thù vào xét xử…

Đó chỉ là một trong số rất nhiều việc mà nhà báo là những người thiệt thòi khi bị hành hung, nhằm ngăn cản họ đưa tin về các điểm nóng.

Nhà báo Phan Lợi, Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh buồn bã nói, rất ít vụ việc hành hung nhà báo được xét xử ở tòa án. Thực tế, chỉ có vài vụ khởi tố nhưng sau đó là đình chỉ vì nhiều lý do như: không tìm ra thủ phạm, hành vi được đánh giá là ít nghiêm trọng… Chưa có bất cứ vụ việc nào được xử lý theo tội danh chống người thi hành công vụ (quy định tại điều 257 Bộ luật hình sự), gây thiệt thòi kéo dài cho các nhà báo.

“Không nên vô cảm nhìn máu nhà báo tiếp tục đổ, rồi tuyên bố không khởi tố chỉ vì thương tích chưa đủ 11%,” ông Lợi bức xúc.

Theo ông Lợi, ở nhiều vụ việc, có thể khởi tố đối tượng hành hung nhà báo với tội danh chống người thi hành công vụ. Có như vậy, mới đủ sức răn đe các đối tượng côn đồ và “tiếp sức” cho nhà báo lao vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực.

Đồng tình, ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí-Xuất bản (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho rằng, hầu hết các vụ hành hung nhà báo được xử lý chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm và tội danh không thuyết phục.

“Cơ quan chức năng thường vận dụng tội cố ý gây thương tích theo điều 104 Bộ luật hình sự để xử lý đối tượng hành hung nhà báo là không công bằng, có thể làm nhụt ý chí đấu tranh chống tiêu cực của người cầm bút,” ông Toản nói.

Điều 12, Nghị định số 56//2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Phạt tiền từ 3-7 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật; Hủy hoại phương tiện hoạt động báo chí của nhà báo. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo.”

“Điều khoản nói rõ như vậy, song thực tế thì nó chưa bao giờ được áp dụng,” ông Toản cho hay.

Như vậy, rõ ràng việc xử lý đối tượng hành hung nhà báo theo Bộ luật hình sự thì chưa làm, mà xử phạt hành chính cũng… chưa tới.

Thuốc nào trị "bệnh” tấn công nhà báo?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất Bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho hay, mong muốn Luật tiếp cận thông tin được ra đời và các điều khoản trong Luật Báo chí được sửa đổi để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Nhất là khi nhà báo bị cản trở và uy hiếp tính mạng ngày càng gia tăng.

“Luật cần phải bảo vệ nhà báo với tư cách công dân và tư cách nhà báo bởi họ đang làm công tác chính trị xã hội chứ không phải người dân bình thường,” ông Hùng nhấn mạnh.

Nhìn thẳng vào bất cập, ông Ngô Huy Toàn cho rằng khó khăn lớn nhất chính là việc nhận thức về việc xử lý hình sự các vụ tấn công nhà báo chưa thống nhất ngay tại các cơ quan công quyền. Ngoài ra, hệ thống pháp luật cũng chưa đầy đủ, cụ thể dẫn đến các cơ quan chức năng khó áp dụng.

Từ đó, ông Toàn cho rằng, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí, còn phải phát huy rõ vai trò, trách nhiệm của địa phương trong việc bảo vệ nhà báo.

“Đối với các vụ cản trở, đe dọa, hành hung nhà báo chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xử phạt vi phạm hành chính một cách nghiêm khắc theo quy định,” ông Toàn nói.

Ngoài ra, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp cần xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện điều 257 Bộ luật hình sự, nêu rõ hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ. Từ đó, sẽ có những chế tài xử phạt nghiêm khắc với những kẻ hành hung nhà báo, mới mong tình trạng này bị đẩy lùi.

Đồng tình, song Luật sư Trần Đình Triển (Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân) còn kiến nghị, cần xử phạt thật nặng nếu nếu cơ quan chức năng xử lý vụ việc hành hung nhà báo ra quyết định sai. Như vậy mới bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Dư luận tỏ ra hết sức đồng tình với các ý kiến trên và cho rằng Hội Nhà báo Việt Nam cần phát huy tốt hơn nữa vai trò bảo vệ hội viên của mình. Những ý kiến tại hội thảo này hy vọng sẽ được các cơ quan, ban ngành tiếp thu một cách thỏa đáng, nếu không sẽ chỉ dừng lại ở việc “ném đá ao bèo” mà thôi./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục