Thương chiến Mỹ-Trung và chính sách thương mại "ăn miếng trả miếng"

Sự phức tạp của quan hệ Mỹ-Trung đã bộc lộ rõ trong tháng qua với việc hai bên liên tiếp có các cuộc đàm phán thương mại cũng như việc Mỹ áp các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc.
Thương chiến Mỹ-Trung và chính sách thương mại "ăn miếng trả miếng" ảnh 1Quan chức Trung Quốc và Mỹ tại cuộc đối thoại ở Alaska. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tạp chí Eurasia Review, sự phức tạp của quan hệ Mỹ-Trung đã bộc lộ rõ trong tháng qua với việc hai bên liên tiếp có các cuộc đàm phán thương mại cũng như việc Mỹ áp các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc.

Chuỗi sự kiện gần đây bắt đầu với các cuộc họp trực tuyến riêng rẽ giữa Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào ngày 27/5 và 2/6.

Tờ China Daily đưa tin những cuộc tiếp xúc trên đã tạo cho các nhà đàm phán Trung Quốc có cái nhìn tích cực về những diễn biến và các cuộc đàm phán kinh tế song phương đã "trở lại đúng hướng."

Tờ báo dẫn lời phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết, cả hai bên đều tin rằng các cuộc trao đổi là chuyên nghiệp, thẳng thắn, mang tính xây dựng và sự liên lạc về kinh tế và thương mại giữa hai nước đã trở lại bình thường.

Tuy nhiên, sự lạc quan của Trung Quốc đã bị lu mờ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3/6 ban hành lệnh cấm đầu tư vào chứng khoán của 59 công ty và tổ chức Trung Quốc có liên quan đến các hoạt động quân sự, tình báo và giám sát của Trung Quốc.

Việc mở rộng danh sách trừng phạt từ 31 công ty và thực thể ban đầu của Trung Quốc được cho là cần thiết để chống lại các mối đe dọa bất thường do các công nghệ giám sát của Trung Quốc gây ra.

Sắc lệnh của ông Biden được đưa ra chỉ một ngày sau cuộc họp họp trực tuyến giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và bà Yellen và điều này dường như nhằm thách thức những tiến triển đạt được trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước.

[Thương mại có tạo được sự ổn định trong quan hệ Mỹ-Trung?]

Trung Quốc đã lên án mạnh mẽ việc Mỹ ban hành sắc lệnh trừng phạt mới khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cáo buộc Washington “lạm dụng quyền lực quốc gia.” Ông Uông tuyên bố Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Động thái của Mỹ đã thúc đẩy Trung Quốc có hành động đáp trả để bảo vệ các doanh nghiệp nằm trong danh sách bị trừng phạt, từ các tập đoàn công nghệ như Huawei và China Mobile đến các nhà phát triển nhận dạng khuôn mặt như Hikvision và những gã khổng lồ điện tử như tập đoàn sản xuất chất bán dẫn SMIC.

Ngày 7/6, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) đã xem xét lần thứ hai đối với dự thảo luật nâng cao khả năng phòng thủ trước các lệnh trừng phạt của nước ngoài.

Đến ngày 10/6, Quốc hội Trung Quốc đã nhanh chóng tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo thành luật mà không cần xem xét lần thứ ba.

Mặc dù các chi tiết còn sơ sài, song luật mới sẽ cung cấp cơ sở pháp lý để trả đũa các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc và có thể áp dụng các hình phạt đối với các công ty do tuân thủ các quy định của nước ngoài.

Tờ Thời báo Phố Wall đưa tin theo luật, các bên của Trung Quốc có thể kiện lên tòa án nước này về những thiệt hại do các lệnh trừng phạt của nước ngoài gây ra. Các cá nhân hoặc tổ chức không tuân thủ các biện pháp chống trừng phạt của Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả pháp lý không xác định.

Theo bài báo, các lệnh cấm của Mỹ có thể có tác động sâu rộng đến các doanh nghiệp Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt cấm bất kỳ người nào ở Mỹ “tham gia vào việc mua hoặc bán bất kỳ chứng khoán nào được giao dịch công khai” của các công ty được niêm yết hoặc những người có “đầu tư” vào các chứng khoán đó.

Những người nắm giữ các khoản đầu tư như vậy có một năm để thoái vốn. Danh sách mới các công ty bị trừng phạt phần lớn bao gồm các doanh nghiệp bị nhắm mục tiêu từ thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, bao gồm khoảng một chục thực thể được Lầu Năm Góc bổ sung vào tháng Mười Hai và tháng Một.

Những thay đổi lớn bao gồm việc trừng phạt tập trung không chỉ vào các công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc mà còn cả những công ty góp phần giám sát các tôn giáo hoặc dân tộc thiểu số như ở Tân Cương.

Ngoài ra, là sự thay đổi quyền kiểm soát danh sách các mục tiêu bổ sung từ Lầu Năm Góc sang Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính, cơ quan giám sát của Chính phủ Mỹ về các biện pháp trừng phạt tài chính. Điều này cho thấy việc thực thi sẽ nghiêm ngặt hơn.

Theo bài báo, thời điểm diễn ra cuộc gặp trực tuyến giữa bà Yellen và ông Lưu Hạc với việc công bố các lệnh trừng phạt do Bộ Tài chính giám sát một ngày sau đó đặt ra câu hỏi về tình trạng quan hệ Mỹ-Trung và các tín hiệu chính sách xung đột của hai bên.

Một quan chức chính phủ Mỹ được dẫn lời nói rằng: “Hai sự kiện này không liên quan đến nhau. Sắc lệnh hành pháp là một phần của quy trình chính sách liên ngành thông thường.”

Trong khi đó, ông William Reinsch, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại trong chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton, cũng cho rằng nhiều khả năng các lệnh trừng phạt và các mối liên hệ thương mại không có liên hệ gì với nhau, mà đi theo các kênh hoàn toàn khác.

Tuy nhiên, những tín hiệu trái chiều về các cuộc đàm phán và các lệnh trừng phạt gợi nhớ đến những giai đoạn trước đó trong quan hệ Mỹ-Trung trong năm 2021. Trong vòng vài giờ sau khi Tổng thống Joe Biden chính thức nhậm chức vào tháng 1/2021, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp trừng phạt về thị thực và tài chính đối với 28 cựu quan chức của chính quyền cựu Tổng thống Trump sắp mãn nhiệm, buộc tội họ can thiệp vào “công việc nội bộ” của đất nước.

Mô hình trên được lặp lại gần hai tháng sau đó tại cuộc họp cấp cao ở Alaska giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào tháng Ba.

Một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp, Ngoại trưởng Blinken đã công bố các lệnh trừng phạt đối với 24 quan chức Trung Quốc, với lý do những người này đã nỗ lực “đơn phương phá hoại hệ thống bầu cử của Hong Kong (Trung Quốc)” nhằm loại bỏ các ứng viên không được Bắc Kinh chấp thuận.

Trong trường hợp đó, chuỗi các sự kiện dẫn đến cuộc họp dường như không để lại nhiều dư địa cho sự mơ hồ về tình trạng quan hệ giữa hai bên.

Tờ New York Times cho biết về mặt ngoại giao, thời điểm của hành động đã được xác định rõ ràng và có chủ đích, tiếp tục một sự khởi đầu khó khăn cho quan hệ giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden và Trung Quốc sau bốn năm đầy biến động dưới thời cựu Tổng thống Trump.”

Ngày 8/6, một dấu hiệu rạn nứt khác đã làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu ủng hộ tới tỷ lệ 68-32 để thông qua khoản tài trợ gần 250 tỷ USD cho lĩnh vực công nghệ và nghiên cứu nhằm cạnh tranh với Trung Quốc trong các lĩnh vực bao gồm chất bán dẫn, viễn thông và phát triển pin lithium./

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục