Thượng đỉnh 2021 - cơ hội để Mỹ cài đặt lại quan hệ với Mỹ Latinh

Mỹ Latinh sẽ hoan nghênh một sự thay đổi từ chủ nghĩa dân tộc cứng rắn của ông Trump, nhưng để có sức thuyết phục hơn, chính quyền mới ở Mỹ cần làm nhiều hơn chứ không chỉ là thay đổi trong ngôn từ.
Thượng đỉnh 2021 - cơ hội để Mỹ cài đặt lại quan hệ với Mỹ Latinh ảnh 1Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ năm 2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thehill.com, trong những năm gần đây, chính sách của Mỹ đối với châu Mỹ Latinh được mô tả là nhạt nhòa, không còn những tuyên bố khoa trương như trước và mang một phong cách đối thoại cho thấy rõ Mỹ vừa gánh vác vừa không thoải mái về trách nhiệm “trông coi” mọi thứ ở phía Nam Rio Grande.

Tháng 4 tới, Mỹ sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ (SOA) lần thứ IX, cuộc họp do Tổ chức các quốc gia châu Mỹ bảo trợ 3 năm/lần với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của tất cả các quốc gia ở Tây Bán cầu.

Đây sẽ là cơ hội đầu tiên của chính quyền của Tổng thống Joe Biden cài đặt lại quan hệ của Mỹ với Mỹ Latinh. Các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh sẽ nóng lòng muốn tìm hiểu liệu chính quyền mới ở Mỹ có cam kết hợp tác với các nỗ lực của Mỹ Latinh để giải quyết các vấn đề cấp bách nhất của khu vực hay không.

Trớ trêu là có 2 yếu tố tiêu cực có thể khuyến khích tất cả các bên liên quan tìm kiếm tiến bộ thực sự. Một mặt, ảnh hưởng của Mỹ đã suy yếu ngay cả khi tầm quan trọng tương đối của khu vực đối với Mỹ đã tăng lên.

Ngày nay, Mỹ không thể áp đặt các chính sách hoặc giải pháp cho khu vực. Trung Quốc, tương tự như Mỹ, đã trở nên quan trọng đối với các nền kinh tế của Mỹ Latinh.

Trong khu vực, chế độ của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro, với sự giúp đỡ từ Trung Quốc, Nga, Iran và thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ, cho đến nay vẫn đứng vững sau các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Nhóm Lima, được thành lập để khôi phục nền dân chủ ở Venezuela và những nỗ lực mà Mỹ ủng hộ, đã thất bại. Mới đây, Quốc hôị Mexico đã thông qua một biện pháp hạn chế đáng kể hoạt động của các nhân viên thực thi pháp luật nước ngoài hoạt động bên trong Mexico, bao gồm cả việc tước bỏ tư cách ngoại giao của họ.

[Canada và các nước Nam Mỹ hy vọng vào tương lai quan hệ với Mỹ]

Những người phát ngôn của Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã phát đi tín hiệu rằng biện pháp mới sẽ khiến hợp tác giữa Mỹ và Mexico trở nên khó khăn hơn nhiều. Và đây chỉ là một phần của một loạt những dấu hiệu cho thấy Mỹ đã đánh mất vị thế và ảnh hưởng trong khu vực.

Châu Mỹ Latinh đang phải vật lộn trước đại dịch. Nhiều quốc gia đang chìm trong suy thoái và đang trải qua tình trạng bất ổn xã hội nghiêm trọng. Lạm phát đã tăng vọt ở Argentina.

Chile đã chứng kiến những cuộc biểu tình bạo lực nhất trong một thế hệ. Peru có 3 tổng thống trong vòng hơn một tháng. Xa hơn về phía Bắc, cuộc khủng hoảng người tị nạn bùng phát do sự đàn áp chính trị và sự quản lý kinh tế yếu kém của chế độ Venezuela đã đe dọa lấn át khả năng cung cấp hỗ trợ dù chỉ ở mức tối thiểu từ tất cả các quốc gia láng giềng.

Hơn 5 triệu người Venezuela được cho là đã rời bỏ quê hương chạy sang các nước láng giềng.

Trong 9 tháng qua, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Hầu như mọi quốc gia ở Mỹ Latinh đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do virus đều cao hơn đáng kể so với hầu hết các khu vực khác trên thế giới.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi nền kinh tế của hầu hết các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe đang sụp đổ. Cựu Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ Luis Alberto Moreno mới đây đã cảnh báo: “Hầu hết tất cả những tiến bộ mà khu vực đạt được trong việc xóa đói giảm nghèo trong 2 thập kỷ qua đều có nguy cơ bị đảo ngược.”

Mỹ Latinh đang phải đối mặt với những thách thức mang tính thế hệ, và cần các đối tác trợ giúp khu vực này ngăn chặn vòng xoáy đi xuống về nhiều mặt. Mỹ, ý thức về tầm ảnh hưởng đang xói mòn của chính họ trong khu vực và có nhiều hiệp định tự do thương mại hơn bất cứ quốc gia nào khác, cần tuyên bố rõ rằng họ muốn trở thành đối tác được lựa chọn của khu vực trong những nỗ lực thiết lập sự phục hồi.

Điều này sẽ đòi hỏi sự thay đổi trong giọng điệu của Mỹ, đồng thời cũng sẽ yêu cầu các tín hiệu rõ ràng từ các nhà lãnh đạo khu vực rằng họ sẵn sàng làm việc với Triều Tiên cũng như thừa nhận việc Mỹ phải đối mặt với những thách thức ở trong nước - cả xã hội và kinh tế.

Trong nhiều năm, mối quan tâm của Mỹ đối với khu vực Mỹ Latinh đã bị chi phối bởi các chương trình chống ma tuý, nỗ lực kiểm soát nhập cư bất hợp pháp và các chiến lược nhằm tối đa hóa lợi ích của thương mại tự do với các đối tác trong khu vực của Mỹ.

Năng lượng, từng là mối quan tâm cấp bách hơn, đã trở thành ưu tiên của Mỹ trong bối cảnh sản lượng dầu khí trong nước tăng mạnh. Tuy nhiên, tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng đều không được đề cao trong chương trình nghị sự chính trị của Mỹ cho dù đây là trung tâm của sự yếu kém dai dẳng của khu vực.

Một vấn đề quan trọng không kém là, khi ảnh hưởng của Mỹ suy yếu, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều trở nên có xu hướng áp dụng các biện pháp ngoại giao và trừng phạt cưỡng bức hơn.

Ví dụ, vài năm trước, chính quyền Trump đã đe dọa cắt viện trợ cho Honduras, El Salvador và Guatemala nếu 3 quốc gia này không ngăn chặn làn sóng di cư của công dân đến Mỹ. Gần đây nhất, đảng Dân chủ đã đưa ra một dự luật nhằm cấm El Salvador, Honduras và Guatemala tham gia vào chương trình của Bộ Ngoại giao (DOS) để hỗ trợ mua thiết bị quốc phòng của Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4/2021 sẽ giúp Biden có cơ hội nói chuyện thẳng thắn với các nhà lãnh đạo đồng cấp về những thách thức mà ông phải đối mặt ở trong nước và lý do tại sao sự hợp tác của họ có thể tốt cho tất cả.

Mặc dù được đánh giá cao trong khu vực, chính quyền Obama-Biden đã tỏ ra ít quan tâm đến khu vực ngoài việc giúp đỡ Haiti sau trận động đất năm 2010.

Mỹ Latinh sẽ hoan nghênh một sự thay đổi từ chủ nghĩa dân tộc cứng rắn của Tổng thống Trump, nhưng để có sức thuyết phục hơn, chính quyền mới ở Mỹ cần làm nhiều hơn chứ không chỉ là sự thay đổi trong ngôn từ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục