Thượng đỉnh Mỹ-Triều không thỏa thuận: Chuyện nhỏ

Giới phân tích cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai này không phải là sự thất bại, đó là một phần của tiến trình kéo dài và có thể là một cuộc gặp cần thiết.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều không thỏa thuận: Chuyện nhỏ ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 3, trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, phải) tại cuộc họp mở rộng với các quan chức hai nước trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng AFP, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến truyền thông quốc tế đổ về Hà Nội để đưa tin cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đi cả một chặng đường dài khắp thế giới để đến được đây và đưa ra một tương lai "tuyệt vời" trước nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Thế nhưng, Trump và Kim đã không nhất trí về bất kỳ điều gì. Giới phân tích cho rằng kết quả này có thể không phải là điều tồi tệ.

Cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, một cuộc gặp mặt trực diện lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước đối địch của Chiến tranh Triều Tiên chưa chấm dứt, đã nổi bật trên báo chí quốc tế năm 2018.

Tuy nhiên, thỏa thuận mà họ ký kết đã không đi vào chi tiết với việc Kim cam kết chỉ với một lời hứa mơ hồ "sẽ tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên."

Sau đó, hai bên không đạt được tiến triển nào do bất đồng về định nghĩa phi hạt nhân hóa. Trước thềm cuộc gặp ở Hà Nội, giới phân tích kỳ vọng hai bên sẽ thảo luận chi tiết về những nội dung đạt được trong thỏa thuận đạt được ở cuộc gặp lần thứ nhất.

Tại thượng đỉnh lần hai, đã có tinh thần thân thiện và cởi mở hơn ở thủ đô Hà Nội, địa điểm được chọn một phần vì biểu tượng cho khả năng đạt được mối quan hệ tốt đẹp thời hậu chiến với Mỹ, song lại thiếu không khí này khi nói về những kết quả cụ thể khi không đạt được tuyên bố chung.

Trump nói với báo giới rằng Kim muốn mọi biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên liên quan chương trình hạt nhân của nước này được dỡ bỏ trước khi Bình Nhưỡng thực hiện thêm bất kỳ bước đi nào đối với phức hợp hạt nhân Yongbyon và các địa điểm bí mật khác.

Thế nhưng, Trump đã không chấp thuận đề nghị này. "Tôi thà làm đúng hơn là làm nhanh," Trump nói.

Giới phân tích cho rằng cuộc gặp lần hai này là một phần của tiến trình kéo dài và có thể là một cuộc gặp cần thiết.

"Các cuộc đàm phán này không phải là sự thất bại", chuyên gia David Kim thuộc Trung tâm Stimson bình luận. "Hãy nghĩ về mối quan hệ Trump-Kim giống như một vở kịch Triều Tiên. Chúng ta mới chỉ đang bắt đầu xem một câu chuyện tình dài kỳ được trình chiếu," ông giải thích.

[Tổng thống Mỹ đã trao thỏa thuận lớn cho nhà lãnh đạo Triều Tiên]

Câu chuyện này sẽ có các âm hưởng "hứng khởi, thất vọng và đau tim", song "mối liên kết giữa Trump và Kim sẽ vẫn bền chặt cho đến cuối cùng." "Miễn là 'đôi tình nhân" này cam kết với mối quan hệ của họ, chúng ta có thể kỳ vọng những kết quả tích cực hơn trong tương lai" - chuyên gia này ví von.

Cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba?

Trump trước đó nói rằng ông và Kim "yêu nhau" khi trao đổi thư từ cho nhau và mặc dù chưa có một lịch trình nào cho hội nghị thượng đỉnh thứ ba với Kim được hai bên nhất trí, song Nhà Trắng nói rằng các cuộc đối thoại cấp chuyên viên sẽ tiếp tục.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu Năm Mới 2019 vừa qua, một văn bản chính trị quan trọng ở Triều Tiên, Kim nói rằng Bình Nhưỡng sẽ tìm kiếm "cách thức mới" để bảo vệ những lợi ích của mình nếu Washington không đưa ra những nhượng bộ để đổi lại các bước đi mà nước này đã thực hiện như việc đóng cửa một cơ sở thử tên lửa và hạt nhân và phá hủy các cơ sở mà Bình Nhưỡng không cần đến.

Điều này dấy lên khả năng Kim quay sang láng giềng và đồng minh Trung Quốc để cầu viện giúp đỡ.

Trước khi đến Hà Nội cũng như khi ở thủ đô này, Trump không ngừng nói rằng Triều Tiên có thể trở thành một "cường quốc kinh tế" nếu nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Hai bên đã thảo luận việc thành lập các văn phòng liên lạc, một bước đi ban đầu quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ, và học giả Ankit Panda thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ nói rằng đã có "những tin tức đáng tin cậy về khả năng hai bên thảo luận về một tuyên bố chấm dứt chiến tranh."

Thế nhưng, đây "chưa từng" là "các biện pháp tương xứng" mà Triều Tiên tìm kiếm, ông Panda nói.

Bình Nhưỡng sẽ lại một lần nữa thể hiện bản thân là một nước đối đẳng với Washington. Cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Soo Kim lưu ý rằng Trump đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông không vội hoàn tất một thỏa thuận khi Triều Tiên chưa sẵn sàng thực hiện các bước đi mà Mỹ mong muốn.

Trump dường như dễ dàng chấp thuận quyết định này, bà Kim nói. Tuy nhiên, "kết quả này dường như không phải điều mà chế độ Kim mong muốn. Vì vậy, vẫn phải chờ đợi xem liệu sau khi khước từ yêu cầu của Mỹ, Triều Tiên sẽ tận dụng một cơ hội khác hay không," bà nói.

Moon mòn mỏi

Thông tin từ hội nghị Hà Nội với kết quả không ra tuyên bố chung khiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chẳng khác nào rơi vào tình trạng bị "trói tay." Hồi năm 2018, Moon là người đã nắm bắt sự kiện thể thao Thế vận hội Mùa Đông là cơ hội để phá băng đối thoại Mỹ-Triều.

Theo bà Kim, trước đó, Moon ý định công bố kế hoạch hợp tác kinh tế vào ngày 1/3. Nhưng giờ thì những đề xuất về việc Kim Jong-un thăm Seoul sẽ bị lu mờ.

Bà Kim cho rằng vẫn còn phải chờ xem liệu Moon sẽ có thể theo đuổi dự định hàn gắn quan hệ liên Triều một cách mạnh mẽ nữa hay không.

Daniel Davis, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Defense Priorities nói rằng khi nhà lãnh đạo Kim yêu cầu "điều thực sự to tát," thì cái giá mà ông ấy được yêu cầu phải trả lần tới sẽ cao hơn, và Trump sẽ nắm giữ "mọi quân bài."

"Tôi không cho rằng sẽ là một khoảng thời gian dài trước khi diễn ra cuộc thảo luận tiếp theo... bởi Kim Jong-un không thể chờ đợi được lâu," Davis nói.

Tuy nhiên, khi Trump đang để tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020- và có vẻ muốn nhận được giải Nobel hòa bình- thì Kim là thế hệ thứ ba của chế độ gia đình trị của Triều Tiên và chắc chắn sẽ duy trì quyền lực trong hàng chục năm nữa.

"Các cuộc đối thoại này sẽ kéo dài và sẽ vượt xa cả thời tổng thống này (của Mỹ)", David Kim tiếp tục bình luận. Kiên nhẫn là một đức tính tốt, chuyên gia này khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục