Thương hiệu Việt hội nhập, khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới

Ngày càng nhiều thương Việt được xây dựng và phát triển trên nền tảng chất lượng, tiêu chuẩn đã chinh phục được người tiêu dùng tại thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu.
Thương hiệu Việt hội nhập, khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới ảnh 1Đại diện các doanh nghiệp nhận chứng nhận Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2022. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Sau hơn 2 năm dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thị trường trong và ngoài nước. Cùng với đó, những biến động địa chính trị, kinh tế... của một số quốc gia đã tạo ra không ít thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp.

Riêng đối với doanh nghiệp Việt cũng trong xu hướng chủ động, linh hoạt, chuyển mình vượt lên khó khăn để vững vàng trên hành trình hội nhập quốc tế và khẳng định thương hiệu Việt. Ngày càng nhiều thương Việt được xây dựng và phát triển trên nền tảng chất lượng, tiêu chuẩn đã chinh phục được người tiêu dùng tại thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở và hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu thông qua chính sách ngoại giao, nhất là tham gia đa dạng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có cơ hội đón làn sóng đầu tư của doanh nghiệp FDI và nguồn vốn xanh trong nhiều năm trở lại đây.

Những doanh nghiệp FDI gia nhập thị trường nội địa không chỉ đóng góp vào nền kinh tế quốc gia, địa phương, mà còn tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp xanh, tạo tăng trưởng trực tiếp và thúc đẩy phát triển bền vững.

Theo Bộ Ngoại giao, sau hơn hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Khát vọng về một Việt Nam phát triển bền vững đã được thể hiện ở mục tiêu đưa đất nước gia nhập hàng ngũ nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Hướng tới tăng trưởng xanh

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết quan điểm phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới là phát triển nhanh và bền vững, đồng thời phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu,” ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Ở góc độ địa phương, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam đang bước sang một giai đoạn phát triển mới là phải huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển, trong đó vốn FDI “xanh” đóng vai trò quan trọng. Với bối cảnh dịch COVID-19 đã từng bước được kiểm soát, Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm không để lỡ cơ hội phục hồi kinh tế.

Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định chủ đề năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.”

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025; trong đó giai đoạn phục hồi đến hết năm 2022 và giai đoạn phát triển từ năm 2023 đến năm 2025.

Với vai trò là một trong những đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam, trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thành phố. Hồ Chí Minh đang không ngừng phấn đấu hướng đến một cơ cấu kinh tế năng động, giá trị gia tăng cao và ít ô nhiễm môi trường.

[Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục gia tăng trên trường quốc tế]

Để thực hiện mục tiêu thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI, nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng nguồn vốn này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.

Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút những tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài có quy mô lớn, trình độ khoa học công nghệ cao đầu tư vào đa dạng dự án có cam kết sử dụng năng lượng, vật liệu xanh. Đồng thời xác định, hoạt động thu hút nguồn vốn FDI cần tạo bước đột phá để tận dụng triệt để lợi thế của Thành phố Hồ Chí Minh, gồm nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ phát triển công nghệ đang tiệm cận với khu vực; cơ sở hạ tầng đang được tập trung đầu tư tương đối hoàn chỉnh; môi trường đầu tư được cải thiện…

Theo một số chuyên gia, đặt mục tiêu tăng trưởng xanh ở vị trí trung tâm của chiến lược quy hoạch tổng thể và kế hoạch hành động phát triển kinh tế-xã hội địa phương có giá trị và ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển một Việt Nam bền vững. Điều này sẽ giúp định hướng thu hút đầu tư, cũng như hỗ trợ và giám sát hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương, tránh rủi ro về khai thác, sử dụng tài nguyên đất nước lãng phí.

Sự nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp, người dân về sự cần thiết của sự phục hồi và tăng trưởng xanh, bền vững tại Việt Nam gia tăng lớn trong thời gian vừa qua. Mặt khác, nhiều đối tác nước ngoài cũng đang trong quá trình tái cấu trúc lại mô hình tăng trưởng và hợp tác với bên ngoài theo hướng xanh, bền vững đã mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác cho các địa phương, doanh nghiệp, người dân Việt Nam tiếp cận làn sóng sản xuất và tiêu dùng xanh.

Hầu hết tỉnh, thành đều thể hiện rất rõ về sứ mệnh và tầm nhìn phải đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, nhưng trên thực tế đòi hỏi những điều kiện cần và đủ nhất định để thực thi chuyển đổi xanh. Trong đó, có thể kể đến yêu cầu đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và những chi phí tài chính khác cũng không dễ dàng đáp ứng, nhất là trong bối cảnh khó khăn và còn nhiều thách thức như hiện nay.

Vấn đề đặt ra là làm sao huy động và hội tụ được nguồn lực, thúc đẩy được những nỗ lực, sáng kiến và hành động không ngừng của các bên liên quan, tạo ra sức mạnh cộng hưởng với phương châm “một hành động nhỏ, nhiều thay đổi lớn.” Theo tính toán sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần tới 70% từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu được xác định là khu vực tư nhân.

Ghi nhận tế tại một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng ưu tiên thu hút doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến; khuyến khích đầu tư phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, lĩnh vực thâm dụng khoa học công nghệ… Đại diện một số tỉnh, thành cho rằng, chuyển đổi số là chìa khóa để mở cánh cửa giao thương sâu rộng hơn với thế giới, từ đó thu hút nguồn lực tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế địa phương.

Ưu tiên phát triển doanh nghiệp

Để trở thành nhà cung cấp tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, các thương hiệu Việt vừa phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, vừa phải đảm bảo thương hiệu bền vững. Điều này, đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cấp thương hiệu, mô hình quản trị... phù hợp và kết nối nối được vào chuỗi của doanh nghiệp FDI, nhưng cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp cải thiệu nội lực vươn ra thị trường toàn cầu

Thương hiệu Việt hội nhập, khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới ảnh 2Vinamilk là một trong những doanh nghiệp được trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2020-2021. (Nguồn: Vietnam+)

Hiện nay, trong chuỗi giá trị toàn cầu thì mục tiêu tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa bằng quy định, tiêu chí cần đáp ứng trong nhiều Hiệp định Thương mại tực do (FTA) thế hệ mới song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia và ký kết. Điều này thể hiện rõ nét và khẳng định mạnh mẽ rằng, tăng trưởng xanh không chỉ là xu hướng lâu dài mà chính là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế, nhất là nền kinh tế hội nhập như Việt Nam.

Nếu nền kinh tế Việt Nam chậm “xanh hóa” ngành hàng, doanh nghiệp chậm “chuyển đổi xanh” từ mô hình hoạt động đến quy trình sản xuất, đầu tư, thương mại... sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác và phát triển. Không chỉ thập kỷ này mà dự báo nhiều thập kỷ tới, chắc chắn xu hướng cạnh tranh trên toàn cầu sẽ là “cạnh tranh xanh”, nên những câu chuyện thành công và dẫn dắt xu hướng hướng này cần sớm được phổ biến đến địa phương, doanh nghiệp, người dân.

Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cũng đồng thời tạo độ mở lớn, mang đến cả cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế trong nước, chứ không chỉ đối với các địa phương, doanh nghiệp... Làm sao phát huy và tận dụng hiệu quả lợi thế mang lại từ hội nhập và 18 FTA mà Việt Nam đã ký kết và đang bước vào giai đoạn có hiệu lực; nắm bắt và tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế trong công cuộc thúc đẩy kinh tế xanh của Việt Nam... là những vấn đề cần giải quyết cấp bách hiện nay.

Hiện nay, xu thế xanh hóa các nền kinh tế trên thế giới là xu thế tất yếu đòi hỏi hầu hết quốc gia đều phải tham gia, riêng quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam cũng sẽ có nhiều thuận lợi hơn từ hàng loạt FTA có hiệu lực và đi vào giai đoạn thực thi.

Các chuyên gia chỉ ra rằng điều Việt Nam cần làm ngay là tìm giải pháp để tiếp cận mọi nguồn lực và lan tỏa giá trị, thúc đẩy nhanh chuyển đổi xanh hiệu quả. Trong đó, những nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, lãnh đạo địa phương, cộng đồng khoa học, công nghệ và doanh nghiệp cần cùng nhau tìm cách tiếp cận mới hơn, phương thức thực thi hiệu quả hơn mới có thể có đa dạng giải pháp giải bài toán kinh tế xanh. Ngoài ra, đảm bảo môi trường kinh tế và xã hội xanh còn tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam hướng tới phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai.

Mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025, là đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Bên cạnh đó, có thể kể đến những mục tiêu quan trọng khác như tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28-30%; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý hoàn toàn; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thi bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.

Thống kê cho thấy tất cả bộ, ngành và địa phương tại Việt Nam đang khẩn trương hoàn thiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045-2050 để trình cấp có thẩm quyền thông qua. Đây là điều kiện tốt để bộ ngành, địa phương đặt trọng tâm chuyển đổi xanh trong các quy hoạch phát triển và nghiên cứu xây dựng những gói hỗ trợ xanh để thúc đẩy quá trình chuyển đổi.

Cộng đồng doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tái cấu trúc mạnh mẽ, đảm bảo những yếu tố phù hợp với đa dạng mô hình và xu hướng sản xuất kinh doanh mới đã hình thành trong và sau dịch COVID-19. Do đó, việc xác định chiến lược đầu tư xanh, chuyển đổi xanh trở thành chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp cùng những gói hỗ trợ tài chính xanh của chính phủ sẽ là cơ sở quan trọng để tạo sự thay đổi thực chất nhất.

Với sự kết hợp thay đổi của cả địa phương, doanh nghiệp, người dân, có thể cho phép Việt Nam kỳ vọng tạo ra sự chuyển đổi bền vững và góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng xanh. Đồng thời, tìm kiếm và tạo lập những hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh mới trong ngành nghề, lĩnh vực mới nổi, nhất là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế biển xanh.

Xây dựng thương hiệu hàng Việt chất lượng ngoại

Vốn được đánh giá là một trong những "cái nôi" thai nghén doanh nghiệp phát triển hàng Việt Nam chất lượng cao, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương tiên phong đồng hành cùng đơn vị sản xuất kinh doanh xây dựng thương hiệu Việt chất lượng ngoại.

Thương hiệu Việt hội nhập, khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thông qua những chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao" cho đến "Thương hiệu vàng Thành phố Hồ Chí Minh," ngày càng nhiều doanh nghiệp không chỉ được tạo điều kiện thuận lợi chiếm lĩnh và giữ vững thị trường nội địa, mà còn có nhiều cơ hội tiến vào thị trường xuất khẩu, cũng như chinh phục người tiêu dùng quốc tế bằng tiêu chuẩn toàn cầu.

Sản phẩm đạt nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng được tín nhiệm trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Chương trình bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao là cầu nối sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp với hệ thống nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Đồng thời, cung cấp thông tin điều tra về người tiêu dùng, thông tin thị trường cho đơn vị sản xuất, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết trước xu thế toàn cầu hóa, cộng đồng doanh nghiệp bước vào thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng với nhiều thách thức cạnh tranh, chương trình bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao lại khoác thêm sứ mệnh mới.

Trong bối cảnh mới như hiện nay, Chương trình bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao cần đáp ứng tinh thần hàng Việt ở mức cao hơn, khi người tiêu dùng cũng khắt khe hơn, đòi hỏi hàng Việt phải tiệm cận về mặt chất lượng với hàng hóa của khu vực và thế giới. Điều này khẳng định "tinh thần hàng Việt" phải được soi chiếu trong nỗ lực vươn tới đẳng cấp quốc tế bằng hàng loạt yêu cầu như từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết và đã bước vào giai đoạn có hiệu lực.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Văn Thị Thủy Tiên, Giám đốc Tiếp thị Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất-thương mại dịch vụ Qui Phúc chia sẻ, chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đã giúp giúp Qui Phúc nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả thị trường trong nước lẫn ngoài nước. Chứng nhận này là “dấu chỉ” uy tín, góp phần “phá vỡ” rào cản mua hàng của người tiêu dùng, giúp sản phẩm đạt chứng nhận và mang Logo Hàng Việt Nam chất lượng cao dễ dàng được người tiêu dùng tin tưởng chọn mua và sử dụng.

Còn bà Phạm Huỳnh Minh Thi, Giám đốc Marketing Công ty cổ phầm Anova Feed, cho hay với việc đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 5 năm liên tiếp đã giúp Anova Feed tiếp cận và thấu hiểu người tiêu dùng. Từ đó, xây dựng, triển khai những chiến lược phát triển bền vững. Anova Feed cũng đã và đang hoàn thiện chuỗi cung cứng 3F (Feed-Farm-Food), cung cấp dịch vụ chăn nuôi hiệu quả, liên kết toàn diện, an toàn sinh học.

Doanh nghiệp có thương hiệu đạt tiêu chí, hầu hết đều là những doanh nghiệp dẫn đầu hoặc ở nhóm dẫn đầu trong ngành nghề sản xuất kinh doanh trong ngành nghề, lĩnh vực đang hoạt động, đồng thời có nhiều doanh nghiệp đã đáp ứng được tiêu chuẩn toàn cầu, kể cả những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Liên quan đến Giải thưởng Thương hiệu vàng Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thương hiệu của doanh nghiệp cũng chính là thương hiệu của Thành phố Hồ Chí Minh, thương hiệu Thành phố Hồ Chí Minh không tách rời thương hiệu của doanh nghiệp.

Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số; ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng logistics, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp… để thương hiệu của doanh nghiệp ngày càng phát triển và tỏa sáng hơn nữa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố bền vững.

Kết nối thị trường

Năm 2022 được xem là năm cả nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, bước vào giai đoạn phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh sau khoảng thời dịch COVID-19 bùng phát và gây ảnh hưởng nặng nề. Hơn thế nữa, nhiều doanh nghiệp cho thấy sự trở lại với những chiến lược tăng trưởng bền vững và định hướng sản xuất kinh doanh theo hướng đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Thương hiệu Việt hội nhập, khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới ảnh 4Các chương trình xúc tiến thương mại giúp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trước bối cảnh này, ngay từ quý 1/2022, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình "bắc cầu giao thương", hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; trong đó, đã có chương trình kết nối, trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước của Thành phố với Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Thông qua việc phát huy mạnh mẽ vai trò trở thành đầu mối giao thương, xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đang thúc đẩy nhiều giải pháp tháo gỡ những vướng mắc của Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tập trung đông nhất các Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài với gần 1.900 văn phòng đang thực hiện chức năng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy cơ hội đầu tư, kinh doanh dịch vụ... của thương nhân đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, số lượng văn phòng đại diện của thương nhân một số nước chiếm tỷ lệ cao như dẫn đầu là Singapore với 371 văn phòng đại diện của thương nhân, tiếp theo là Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)...

Đây là nguồn lực vô cùng quý giá để sở, ngành và cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, thúc đẩy liên kết, hợp tác và lan tỏa hàng hóa mang thương hiệu, xuất xứ Việt Nam ra thị trường thế giới. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19, các Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài vẫn giữ vững nhịp cầu thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp các nước tại Việt Nam.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Việt Nam đã trở thành một trong số những quốc gia có mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân cao nhất thế giới và khu vực, với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2011-2020 là 14,6%/năm và năm 2021 là 19%.

Dự kiến trong thời gian tới, ngành Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào vấn đề xúc tiến thương mại, đầu tư theo từng nhóm thị trường, nhóm hàng hóa (hữu hình lẫn vô hình) để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh hợp tác phát triển ở một số lĩnh vực như kinh tế số, thương mại điện tử, logistics, công nghiệp...

Hiện nay, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường thông tin minh bạch trên trang thông tin điện tử, Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài có thể kết nối thuận lợi qua phương thức điện tử.

Ngoài ra, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, ngành Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực thương mại điện tử phát triển, nhất là xuất khẩu qua kênh bán hàng online. Thống kê, hai năm 2020-2021 kinh doanh trực tuyến (online) tại Việt Nam đánh dấu bước phát triển vượt bật, đậm nét trên cả thị trường bán lẻ trong và ngoài nước.

Hiện nay, hầu hết đơn vị kinh doanh online tại Việt Nam đều có thể tham gia cung ứng, bán hàng ra thị trường nước ngoài, nhất là những thương hiệu Việt đã xây dựng được uy tín tại thị trường nội địa. Kinh doanh online cũng được đánh giá là bước đi thông minh và linh hoạt chuyển mình cần thiết cho doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường xuyên biên giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục