Thương mại tự do bền vững: Yếu tố then chốt cho phục hồi toàn cầu

The Business Times của Singapore nhận định rằng 10 tháng đã trôi qua, nhưng đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 vẫn gây ra mối đe dọa lớn đối với tính mạng và sinh kế của người dân ở trên thế giới.
Thương mại tự do bền vững: Yếu tố then chốt cho phục hồi toàn cầu ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 30/10 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bài phân tích trên báo The Business Times của Singapore, nhận định rằng 10 tháng đã trôi qua, nhưng đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 vẫn gây ra mối đe dọa lớn đối với tính mạng và sinh kế của người dân ở nhiều khu vực trên thế giới.

Trong số các tác động mà đại dịch gây ra, có sự đứt gãy trong các chuỗi cung ứng quốc tế vốn có ý nghĩa then chốt đối với việc duy trì hoạt động của các nền kinh tế toàn cầu hóa. Trong một số trường hợp, những lo ngại về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đã khơi lại những lời kêu gọi các nền kinh tế quay trở lại xu hướng bảo hộ và hướng nội.

Tuy nhiên, nếu người ta tin rằng sự thịnh vượng kinh tế nằm ở việc tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và dịch vụ từ nơi sản xuất đến nơi chúng được cần đến nhất, khi đó cũng cần nhấn mạnh rằng điều này chỉ có thể đạt được thông qua hành động tập thể, chứ không phải biệt lập.

Tiếp tục toàn cầu hóa, với việc tập trung vào phân phối công bằng và thương mại tự do bền vững, là những yếu tố quan trọng then chốt trên con đường tiến tới sự phục hồi toàn cầu.

Với thực trạng các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy hiện nay, đưa hoạt động sản xuất trở về nước đã nổi lên như một giải pháp được ưa chuộng. Điều này đã trở nên trầm trọng hơn bởi tình trạng đóng cửa biên giới do đại dịch diễn ra vào đúng thời điểm các nguồn cung thiết yếu bị cắt giảm ở nhiều nước.

Các chuỗi cung ứng ngắn hơn sẽ giảm bớt nguy cơ bị gián đoạn, nhưng liệu việc chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng về "gần nhà" hơn, bỏ qua những lợi thế có được từ các dây chuyền chuyên môn hóa trong sản xuất tiên tiến hay chi phí sản xuất thấp hơn của các nền kinh tế mới nổi có phải là biện pháp hiệu quả?

Ví dụ, Khu vực Vịnh Lớn (Greater Bay Area, gồm Hong Kong, Macau và 9 thành phố khác) của Trung Quốc là một trung tâm sản xuất cho các công ty quốc tế. Trong cuộc khảo sát được tiến hành ở khu vực này hồi đầu năm nay, khoảng 70% các nhà sản xuất đã cân nhắc việc chuyển hoạt động sang các địa điểm khác.

Tuy nhiên, sau khi khảo sát sâu hơn, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng gần một nửa trong số những người trả lời vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng của mình.

Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, Trung Quốc sẽ vẫn đóng vai trò then chốt trong hệ sinh thái thương mại toàn cầu và có ý nghĩa chủ chốt đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu, bất chấp có những thay đổi.

[Tình hình dịch COVID-19: Thế giới có gần 48 triệu ca nhiễm]

Một khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và các công ty có thể tập trung vào việc phục hồi và tái thiết, họ sẽ cần hướng đến các lĩnh vực tăng trưởng mới. Một giải pháp được đưa ra là xác định và nắm bắt những cơ hội đối với thương mại toàn cầu.

Báo cáo cơ hội thương mại của công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng Standard Chartered chỉ ra cơ hội của các nhà xuất khẩu để phát triển thương mại giữa Ấn Độ và 10 thị trường then chốt. Những thị trường này trải rộng khắp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đông Bắc Á, châu Âu và châu Mỹ. Chỉ với những cơ chế thương mại toàn cầu, những doanh nghiệp này mới có thể trao đổi hàng hóa và dịch vụ của họ với Ấn Độ, để cùng có lợi.

Các thể chế tài chính lẫn các nhà hoạch định chính sách đều cần tăng cường đảm bảo các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, cơ sở hạ tầng cần thiết và môi trường quy định đúng đắn để tận dụng những cơ hội này và trở thành những động lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Để thương mại toàn cầu phát triển thịnh vượng trong tương lai, cần cải thiện hệ thống hướng đến mục tiêu bền vững hơn và kiên cường hơn trước những cú sốc bên ngoài. Một trong những vấn đề lớn nhất mà dịch COVID-19 phơi bày là sự thiếu công khai minh bạch trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Những vấn đề rắc rối ở một điểm có thể phá vỡ toàn bộ tiến trình được kết nối với nhau, không có nhà sản xuất nào có thể nhìn thấy một cách chính xác nơi xảy ra.

Công nghệ có ý nghĩa then chốt để giải quyết vấn đề này. Các giải pháp công nghệ số có thể đem lại cho doanh nghiệp sự công khai minh bạch mà họ cần để giảm tới mức thấp nhất những nguy cơ trì hoãn và rạn nứt trong chuỗi cung ứng, và giúp họ có thể tiếp cận nguồn tài chính một cách dễ dàng hơn.

Chẳng hạn, các ngân hàng, đã ký kết với Contour - một nền tảng dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain), có thể giúp các công ty tiếp cận với nguồn tài chính thương mại dễ dàng hơn thông qua quá trình đơn giản hóa cấp vốn không giấy tờ.

Những nền tảng như vậy giúp các công ty tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của họ thông qua cải thiện tính minh bạch, tăng hiệu quả chi phí và giảm rủi ro thanh toán.

Đối với chính phủ và trên mặt trận chính sách đa phương, cần có các chính sách giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty xuất khẩu, cũng như sự di chuyển của nhân tài và dòng chảy hàng hóa không bị cản trở. Singapore đã tạo dựng được thành công kinh tế một phần nhờ vào khả năng kết nối toàn cầu của nước này và các dòng thương mại toàn cầu.

Đối mặt với thực tế mới, Singapore đang tiếp tục tiến nhanh đến một hệ sinh thái thương mại số. Singapore khuyến khích nhiều thể chế tài chính đang hoạt động tại nước này sử dụng công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử và bảo vệ các nền tảng tài chính thương mại mang tính đổi mới sáng tạo như nền tảng thương mại kết nối Networked Trade Platform và kết nối số với các đối tác thương mại then chốt.

Khi thế giới vượt qua đại dịch COVID-19, chúng ta không thể quay trở lại trạng thái như trước đây. Thách thức hiện nay là định hình một thực tế mới, nơi thương mại toàn cầu sẽ thúc đẩy sự phục hồi bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục