‘Thương nhớ ở ai’: Thân phận người phụ nữ nơi ‘Bến không chồng’

Trải qua hai cuộc chiến, làng Đông trở nên vắng bóng đàn ông. Ở đó chỉ còn những người đàn bà góa bụa ngày ngày tụ tập nơi bến nước đầu làng.

"Thương nhớ ở ai" - bộ phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết “Bến không chồng” (Dương Hướng) sẽ được phát sóng vào 14 giờ 30 thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần (bắt đầu từ 4/11) trên kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Tác phẩm của hai đạo diễn (Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh) có bối cảnh một làng quê Việt Nam nghèo khó những năm sau chiến tranh với những người nông dân lam lũ, “một nắng hai sương.”

Trải qua hai cuộc chiến, làng Đông trở nên vắng bóng đàn ông. Ở đó chỉ còn những người đàn bà góa bụa ngày ngày tụ tập nơi bến nước đầu làng.

Không chỉ chịu nỗi đau mất người thân, những người phụ nữ ấy còn bị trói buộc, giam cầm bởi những định kiến lạc hậu, hủ tục hà khắc. Những khát khao hạnh phúc cá nhân phải chôn chặt trong lòng, những ước vọng bị đè nén, những giọt nước mắt lặn sâu vào trong… Cuộc sống của họ là sự nối dài những bi kịch.

‘Thương nhớ ở ai’: Thân phận người phụ nữ nơi ‘Bến không chồng’ ảnh 1Phim sẽ chính thức lên sóng từ ngày 4/11. (Ảnh: Đoàn làm phim)

“Trong ‘Thương nhớ ở ai,’ những dằn vặt của người lính trở về từ chiến trường khói lửa trong hành trình vượt qua những trói buộc của định kiến khắc nghiệt nơi làng quê sẽ xoáy vào lòng người xem những suy tư về thân phận con người,” đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ.

Bộ phim “Thương nhớ ở ai” (34 tập) có sự tham gia của nhiều diễn viên được khán giả yêu thích như: Thanh Hương, Lâm Vissay, Kim Hạnh, Ngọc Anh…

[Chuyển thể tác phẩm kịch lên màn ảnh: Khúc xương khó gặm]

Trước đó, đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng chuyển thể thành công tiểu thuyết “Bến không chồng” thành tác phẩm điện ảnh cùng tên, quy tụ nhiều nghệ sỹ gạo cội của điện ảnh Việt như: nghệ sỹ nhân dân Như Quỳnh, nghệ sỹ nhân dân Minh Châu…

“Bến không chồng” góp phần quan trọng khẳng định làm nên tên tuổi của Lưu Trọng Ninh trong làng đạo diễn. Đó cũng là một trong những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu về số phận những người lính và những người phụ nữ thời hậu chiến.

Với “Thương nhớ ở ai,” đạo diễn đưa thêm vào nhiều nhân vật mới, để tạo ra sự khác biệt với tác phẩm văn học gốc và phiên bản điện ảnh.

‘Thương nhớ ở ai’: Thân phận người phụ nữ nơi ‘Bến không chồng’ ảnh 2Diễn viên Thanh Hương trong một cảnh quay của "Thương nhớ ở ai." (Ảnh" Đoàn làm phim)

Tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục