Thương vụ bạc tỷ giữa Sprint và T-Mobile, hai "ông trùm" trong ngành viễn thông Mỹ, đang đứng trước nguy cơ bị chặn đứng sau khi một nhóm tiểu bang, dẫn đầu là hai bang New York và California, ngày 11/6 đã đệ đơn kiện hai tập đoàn trên với lý do thỏa thuận này sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng.
Chín tiểu bang và thủ đô Washington đã lập luận rằng việc cho phép hai công ty trên sáp nhập sẽ khiến giá dịch vụ tăng cao và người tiêu dùng có thu nhập thấp sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong thông cáo báo chí, người đứng đầu cơ quan Tư pháp bang New York Leticia James cho rằng thương vụ sáp nhập giữa Sprint và T-Mobile "không chỉ gây thiệt hại không thể bù đắp... bằng cách cắt đứt việc tiếp cận với dịch vụ mạng không dây đáng tin cậy và giá cả hợp lý của hàng triệu người dân Mỹ, mà còn đặc biệt tác động tới cộng đồng người thiểu số và thu nhập thấp. Đó là lý do chúng tôi sẽ kiện ra tòa nhằm ngăn chặn thương vụ sáp nhập và bảo vệ người tiêu dùng."
[T-Mobile-Sprint hy vọng thỏa thuận sáp nhập 26 tỷ USD được thông qua]
Đồng tình với ý kiến của bà James, người đứng đầu cơ quan Tư pháp bang California Xavier Becerra nhấn mạnh mặc dù T-Mobile và Sprint có thể cam kết cung cấp dịch vụ nhanh hơn, tốt hơn và rẻ hơn với thương vụ sáp nhập này, song các bằng chứng lại cho thấy điều ngược lại.
Quan chức này nêu rõ: "Vụ sáp nhập sẽ gây tổn hại cho những người dân dễ bị tổn thương nhất ở California và kết quả là một thị trường bị dồn nén với ít sự lựa chọn hơn trong khi giá cả cao hơn."
Hiện cả Sprint lẫn T-Mobile chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc trên. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của Sprint đã giảm 4,5% xuống còn 6,68 USD trong đầu phiên giao dịch chiều cùng ngày, trong khi cổ phiếu của T-Mobile giảm 1,7% xuống còn 75,39 USD.
T-Mobile và Sprint, hai nhà cung cấp dịch vụ mạng không dây lớn thứ ba và thứ tư của Mỹ, sở hữu tổng cộng khoảng 130 triệu thuê bao. Thương vụ sáp nhập trị giá 26 tỷ USD này sẽ tạo ra công ty sáp nhập dưới tên gọi T-Mobile nhằm cạnh tranh với hai nhà mạng hàng đầu của Mỹ là Verizon và AT&T./.