Thương vụ EVNT: Hồi kết của viễn thông cạnh tranh?

Dù EVN Telecom về đâu, thì cũng sẽ có một sự xáo trộn rất lớn. Đó là một thị trường độc quyền hay một thị trường cạnh tranh lành mạnh phát triển bền vững?
Trong những nỗ lực gần như là tuyệt vọng của mình, trước một nguy cơ nhãn tiền là mạng di động sẽ đi về bờ "phá sản," đối tác Hutchison của Hanoi Telecom đã gửi đơn cầu cứu lên Thủ tướng Chính phủ.

Hành trình đến 3G của Vietnamobile... sẽ đứt đoạn


Theo Hutchison, "nếu EVN Telecom được bán hoặc sáp nhập vào một trong ba nhà vận hành mạng lớn hiện tại như Viettel, điều này sẽ làm cho công việc kinh doanh và sự phát triển trong tương lai của Vietnamobile bị tổn hại nghiêm trọng. Các nhà vận hành mạng này ngày nay đang mạnh hơn Vietnamobile rất nhiều và họ sẽ trở nên thậm chí mạnh hơn nữa với thị phần thống lĩnh hiện có trên thị trường viễn thông Việt Nam."

Điều này sẽ dẫn đến kết quả là một môi trường cản trở cạnh tranh nhất. Do vậy, giao dịch này cũng có thể sẽ là một động thái đối nghịch hoàn toàn đối với hoạt động đầu tư nước ngoài.

EVN Telecom và Hanoi Telecom, thông qua Vietnamobile, đã tiến hành triển khai công việc kinh doanh 3G theo một thỏa thuận hợp tác chiến lược có bao gồm một dàn xếp về roaming toàn diện giữa đôi bên. Việc hợp tác này có mục đích tối đa hóa hiệu quả cũng như việc sử dụng tài nguyên quốc gia vì lợi ích của cộng đồng cũng như các khách hàng.

Theo đó, dải tần số 3G đã được cấp cùng lúc cho Hanoi Telecom-EVN Telecom. Việc Vietnamobile sử dụng đầy đủ tần số 2 x 15Mhz có vai trò tối quan trọng để hỗ trợ dự án đầu tư hiện nay và sự phát triển trong tương lai đối với công việc kinh doanh của Vietnamobile.

Tại công văn "kêu cứu" của mình, giám đốc Hutchison, Dennis Lui khẩn thiết: " đề nghị Chính phủ xem xét nghiêm túc các quan ngại trên đây khi xem xét các lựa chọn cho việc tái cơ cấu EVN Telecom sao cho việc này sẽ duy trì được sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường viễn thông Việt Nam và có xem xét tới khoản đầu tư đáng kể mà chúng tôi đã thực hiện."

Khoản đầu tư mà Hutchison nói đến là gần 1 tỷ USD mà họ đã bỏ vào dự án Vietnamobile, và trong trường hợp chỉ có 1 nửa giấy phép sử dụng băng tần 3G, thì con đường đến với 3G của họ coi như đứt đoạn.

Đừng mơ gì đến băng thông rộng, những công nghệ LTE, 4G.. sẽ là chuyện của người khác, và với một mạng di động,  thì điều đó coi như là "chấm hết" khi mà xu thế 3G cũng như băng rộng sẽ được dự đoán là bùng nổ vào năm 2012  - nghĩa là chỉ hơn 1 tháng nữa.

Bài toán của tần số


Hiện nay, dải băng tần 1900-2000Mhx cho 3G được phân 30Mhz (2x15Mhz) cho MobiFone băng A; Vinaphone băng D; Viettel băng B (1935-1950 Mhz) và 2125-2140 MHz. Băng C gồm 1950-1965 MHz và 2140-2155 MHz được phân cho liên danh Hanoi Telecom và EVN.

Những con số kỹ thuật này có vẻ hơi rắc rối với "người ngoài công nghệ" nhưng với các nhà mạng thì là một vấn đề then chốt trong đầu tư, cạnh tranh.

Hình dung đơn giản, một mảnh đất được chia 4 lô bằng nhau, hai lô phía ngoài được giao cho Vinaphone và MobiFone, hai lô giữa giao cho 3 doanh nghiệp còn lại. Nay nếu Viettel "thôn tính" được một nửa lô giữa liền kề của EVN, họ sẽ có một  băng tần rộng và liên tục. Như vậy không chỉ quỹ tần số nhiều hơn (chiếm 50% số băng tần của cả thị trường) mà còn nhờ tần số liền kề, họ sẽ có được quy hoạch tốt hơn, giảm bớt được số lượng đầu tư trạm, tăng tốc độ băng thông...

Trả lời câu hỏi của phóng viên Vietnam+ về vấn đề này, phía Hanoi Telecom bức xúc: "Tài nguyên tần số là hữu hạn, nó không thể mở rộng thêm, như vậy nhà mạng nào sở hữu nhiều băng tần sẽ là kẻ thắng thế trong cuộc đua công nghệ-đi cùng đó là đầu tư, dịch vụ và lợi nhuận."

"Hơn nữa, theo báo cáo của Viettel gửi bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay họ mới sử dụng 15% quỹ tần số dải băng tần 3G được cấp, vậy tại sao phải giao thêm cho họ, khi mà điều đó sẽ dẫn đến việc Hanoi Telecom sẽ lâm vào tình trạng thất bại và khó khăn như đã từng xảy ra với SPT, SK. Chúng tôi muốn mua lại 1/2 băng tần này, cũng chỉ là vì muốn tồn tại," đại diện  Hanoi Telecom chia sẻ.

Trò chuyện với phóng viên Vietnam+ về vấn đề này, một lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định; "Xét cục diện, thì giao EVN Telecom cho Hanoi Telecom là hợp tình hợp lý hơn cả, nhất là khi họ "sẵn sàng chồng tiền mặt" để mua và giúp EVN Telecom trang trải nợ nần."

Tuy nhiên, ông này cũng khẳng định chưa hề nhìn thấy văn bản nào giao EVN Telecom cho Viettel cũng như Bộ Thông tin Truyền thông chưa nhận được yêu cầu có ý kiến về vấn đề này từ phía Chính phủ.

Có một điều đáng ngạc nhiên,  trong khi ai cũng nhìn thấy "cuộc chiến băng tần" sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh vốn đã đầy khốc liệt thì các mạng thuộc VNPT hầu như không có phản ứng gì. Có vẻ không giống như nhiều lần trước, họ khoanh tay đứng nhìn "lưỡng hổ câu tranh" mà "ngư ông đắc lợi," bởi sự thực là, nếu các mạng viễn thông nhỏ "ra đi" thì cả hai mạng thuộc VNPT cộng lại cũng sẽ không mạnh bằng Viettel.

Một tương lai xem ra không mấy sáng sủa cũng đang chờ đợi hai nhà mạng này, và trước sự "im lặng" đúng hơn là "chây ỳ" của họ thì bóng dáng của một ông trùm độc quyền trong viễn thông đang hiện ra khá rõ rệt.

Cho đến giờ phút này, chưa rõ số phận của EVN Telecom ra sao - một số phận có quá nhiều truân chuyên và có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến cả một thị trường. Và cho dù EVN Telecom về đâu, thì cũng sẽ có một sự xáo trộn rất lớn trên thị trường viễn thông Việt Nam.  Đó là một thị trường độc quyền hay một thị trường cạnh tranh lành mạnh phát triển bền vững - Điều đó vẫn còn đang là một dấu hỏi lớn!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục