Thụy Điển để ngỏ khả năng đặt vũ khí hạt nhân NATO trên lãnh thổ

Tân Thủ tướng Thụy Điển để ngỏ khả năng cho phép bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này một khi Thụy Điển trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thụy Điển để ngỏ khả năng đặt vũ khí hạt nhân NATO trên lãnh thổ ảnh 1Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (trái) và tân Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trong cuộc gặp tại Helsinki (Phần Lan) ngày 28/10. (Ảnh: REUTERS/TTXVN)

Tân Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ngày 1/11 cho biết ông để ngỏ khả năng cho phép bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này một khi Thụy Điển trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một sự thay đổi so với lập trường của chính phủ trước đây.

Tuyên bố trên vừa được tân Thủ tướng Thụy Điển đưa ra tại Helsinki trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp nước chủ nhà Phần Lan Sanna Marin, nước cũng đang cùng Thụy Điển xin gia nhập NATO.

Khi được hỏi liệu Phần Lan và Thụy Điển có cho phép đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ hai nước này hay không, Thủ tướng Phần Lan Marin nói: "Chúng tôi không nên đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào... Chúng tôi đã quyết định không đóng bất kỳ cánh cửa nào cho tương lai."

[Tân Thủ tướng Thụy Điển Kristersson thúc đẩy nỗ lực gia nhập NATO]

Thủ tướng Thụy Điển Kristersson cũng nhất trí với quan điểm này. Theo ông, việc Thụy Điển và Phần Lan cùng hành động trong những vấn đề này là điều rất tự nhiên, và sẽ cùng hợp tác trong vấn đề này.

Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo đều thừa nhận vấn đề trên có thể được đàm phán sau.

Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển, đảng cầm quyền ở Thụy Điển khi nước này nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5/2022, cho biết Thụy Điển bày tỏ sự nghi ngại đơn phương đối với việc triển khai vũ khí hạt nhân và các căn cứ thường trực trên lãnh thổ nước này.

Trong khi đó tại Phần Lan, việc nhập khẩu, sản xuất, tàng trữ và kích hoạt chất nổ hạt nhân bị nghiêm cấm theo pháp luật.

Các nước láng giềng Bắc Âu là Đan Mạch và Na Uy, vốn đã là thành viên NATO, đều từ chối cho phép nước ngoài thiết lập căn cứ quân sự lâu dài hoặc vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của hai nước trong thời bình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục