'Tiệm giặt là người Điếc': Ước mơ đẹp của những cô gái trẻ

Tiệm giặt là "Giặt ký" (hay còn được gọi là Tiệm giặt là người Điếc) là nơi dạy nghề cho người điếc và khiếm thính, giúp họ có thêm sự tự tin, sự tôn trọng và bình đẳng trong xã hội.

Cửa hàng giặt là màu xanh nổi bật nằm ở số 7 đường bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) không chỉ là cơ sở kinh doanh giặt là mà còn là địa chỉ tạo công ăn việc làm cho người điếc và khiếm thính, nơi họ được học tập, rèn luyện giúp tự tin hơn. Nhân viên của cửa hàng là 3 cô gái xinh đẹp, họ đều là những người khiếm thính, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhau.

Nói về sự ra đời của cửa hàng giặt là, chị Lương Kiều Thuý, chủ tiệm chia sẻ năm 2019, chị cùng nhóm thực hiện dự án nghiên cứu thực trạng việc làm cho người điếc. Có nhiều công việc mà người điếc đang làm như may, cắt tóc, phục vụ quán ăn,... nhưng chị nhận thấy người điếc hoặc khiếm thính gặp nhiều khó khăn với các công việc này.

“Tôi dẫn theo 2 bạn cùng hoàn cảnh đi học nghề, gặp nhà đầu tư, tai thì nghe bập bõm… Không ít lần mâu thuẫn với nhà đầu tư nhưng tôi chỉ có một niềm tin là nhất định ý tưởng này phải được làm, dù có theo cách nào đi nữa. Cuối cùng, cơ duyên kết nối với chủ thương hiệu nhượng quyền 'Giặt ký' nên tôi đã quyết định kết hợp liên danh. Đến tháng 12/2020 thì 'Tiệm giặt là người Điếc' ra đời,” chị Thuý kể.

Theo chị Lương Kiều Thuý, đây là một mô hình phù hợp cho người điếc hoặc khiếm thính. Người điếc có thể làm chậm nhưng lợi thế ở khả năng quan sát tốt, tập trung cao độ vào công việc. Chỉ cần rèn luyện tính tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì thì họ sẽ là một thợ giặt là lành nghề, thậm chí làm tốt hơn nhiều người bình thường.

[Những nỗ lực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người của Việt Nam]

Từ khi mở cửa hàng đến nay, đã có nhiều khách hàng quay lại giặt, cá biệt có khách hàng còn dùng ngôn ngữ cơ thể, sử dụng điệu bộ, cử chỉ để giao tiếp với người điếc và còn tương tác qua lại, vẫy tay chào các bạn khi ra về...

“Những cử chỉ nhỏ bé thế thôi nhưng chúng tôi cảm thấy rất xúc động và được tôn trọng, điều đó chắp cánh thêm niềm tin vào những gì mình đang làm,” chị Thuý bày tỏ.

Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, chị Thuý cho biết chị sẽ cố gắng phục vụ khách hàng tốt hơn nữa và mơ ước có thể mở rộng mô hình này để dạy nghề cho người khiếm thính. Chị tin rằng, có nghề thì người điếc sẽ được tôn trọng, bình đẳng. Khi có nghề, có kinh nghiệm, người điếc có thể tự làm chủ cuộc sống hoặc tự phục vụ bản thân mình với nhu cầu xã hội./.

(Vietnam+)