Tiêm vaccine ngừa COVID-19: Đưa trẻ em trở lại cuộc sống bình thường

Cách đây 1 năm, học sinh trên thế giới chuẩn bị trở lại trường sau nghỉ Hè, nhiều nước tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em, đây là biện pháp bảo đảm an toàn và đưa trẻ trở lại cuộc sống bình thường.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19: Đưa trẻ em trở lại cuộc sống bình thường ảnh 1Lực lượng y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

“Bọn trẻ phải được đến trường và tận hưởng một cuộc sống bình thường như đến các công viên và khu vui chơi giải trí, ăn uống tại nhà hàng. Chúng ta không thể sống trong nỗi sợ hãi kéo dài….”

Chia sẻ của doanh nhân người Malaysia Chan Huan Tie tại điểm tiêm khi anh đưa 3 con đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 theo chương trình tiêm chủng quốc gia, cũng là mong muốn chung của rất nhiều bậc phụ huynh ở khắp nơi trên thế giới, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang lây lan trên phạm vi toàn cầu do virus không ngừng biến đổi.

Cách đây 1 năm, thời điểm học sinh trên khắp thế giới chuẩn bị trở lại trường sau kỳ nghỉ Hè, hàng loạt quốc gia bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em sau khi các nghiên cứu khoa học chứng minh đây là biện pháp tin cậy để bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch.

Tính đến đầu năm nay có khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng tiêm vaccine cho trẻ vị thành niên.

Đến nay thời điểm này, năm học mới sắp bắt đầu, các nước lại đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em trong nỗ lực đưa các em trở lại cuộc sống bình thường. Độ tuổi trẻ đủ điều kiện tiêm vaccine được hạ dần theo khuyến nghị của giới khoa học và các cơ quan quản lý y tế.

Để cắt đứt chuỗi lây lan dòng phụ của biến thể Omicron, từ tháng 8/2022, Israel đã khởi động chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi với vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna. Australia thông báo sẽ tiêm phòng cho nhóm trẻ có nguy cơ cao trong độ tuổi này từ tháng Chín tới đây.

Singapore cũng triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ dưới 4 tuổi từ quý 4. Quyết định trên được đưa ra sau khi có 2 trẻ em dưới 5 tuổi ở Singapore tử vong vì COVID-19.

Trước đó, tháng 6/2022, Mỹ đã sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna tiêm cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi sau khi số trẻ em mắc COVID-19 ở nước này liên tục tăng, lên tới gần 6 triệu ca kể từ đầu năm.

[Vaccine giúp giảm tỷ lệ nhập viện do nhiễm biến thể Omicron ở trẻ em]

Trung Quốc là một trong những quốc gia sớm triển khai tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em, thậm chí là một trong số ít các quốc gia tiêm vaccine cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Việc tiêm vaccine cho trẻ em được thực hiện theo hướng hạ thấp dần độ tuổi, chủ yếu theo từng cấp học; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan y tế và trường học.

Nhật Bản bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine cho trẻ em 5-11 tuổi từ tháng 2/2022, song song với chiến dịch vận động, thuyết phục đưa trẻ em đi tiêm vaccine.

Tại Việt Nam, các địa phương đang tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine COVID-19, hoàn thành tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong tháng 8/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Số liệu thực tế đã cho thấy việc bao phủ vaccine ngừa COVID-19 ở trẻ em có hiệu quả đáng kể trong việc làm giảm số ca mắc ở nhóm đối tượng này. Đơn cử ở Đức, sau khi chiến dịch tiêm chủng cho nhóm 12-18 tuổi và 5-11 tuổi được triển khai, tỷ lệ mắc COVID-19 ở hai nhóm tuổi này vào tháng 5/2022 đã giảm hẳn so với mức cao chưa từng thấy được ghi nhận hồi tháng 2 là hơn 3.000 ca/100.000 em.

Tại Mỹ, gần 90% số ca nhập viện vì COVID-19 ở trẻ từ 5-11 tuổi trong làn sóng dịch do biến thể Omicron hồi tháng 12/2021 là chưa tiêm phòng.

Theo nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, việc tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 làm giảm nguy cơ nhiễm Omicron của 31% trẻ từ 5 đến 11 tuổi và 59% ở nhóm từ 12-15 tuổi.

Nhờ chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em, Cuba đã bảo vệ từ 50.000 đến 70.000 trẻ nhỏ khỏi virus SARS-CoV-2 trong những tháng gần đây.

Trong 5 tháng đầu năm nay, hơn 28.000 trẻ em Cuba có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên số trường hợp nghiêm trọng hoặc nguy kịch chưa tới 1%.

Bằng hiệu quả thực tế của vaccine ngừa COVID-19 trong suốt thời gian qua, các chính phủ trên thế giới nhìn chung đều cho rằng tiêm phòng cho trẻ em - vốn là nhóm nguy cơ làm lây lan virus, là biện pháp quan trọng để tạo miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực thúc đẩy, đến nay tỷ lệ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 ở trẻ em tại các nước nhìn chung chưa cao, nhất là ở lứa tuổi dưới 12. Tại Mỹ, tính đến tháng Năm vừa qua, chưa đến 30% trẻ em lứa tuổi 5-11 tiêm đủ mũi cơ bản, tức là vẫn còn 18,5 triệu trẻ em nhóm tuổi này chưa hoàn thành tiêm phòng.

Tại Đức, tỷ lệ này là 20,6%, theo số liệu công bố hồi tháng 2, trong khi tỷ lệ hoàn thành liều cơ bản ở nhóm12-17 tuổi cũng chỉ đạt 61,3%. Còn tại Singapore - một trong những nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, tỷ lệ trẻ em 5-11 tuổi không tiêm vaccine cao nhất so với các nhóm tuổi khác, lên tới 22%.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19: Đưa trẻ em trở lại cuộc sống bình thường ảnh 2Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Có nhiều nguyên nhân khiến các bậc cha mẹ không đưa con đi tiêm, trong đó dễ thấy nhất là tâm lý chủ quan, xem nhẹ khi cuộc sống ở nhiều nơi đã bình thường trở lại. Không ít phụ huynh chủ quan tin rằng con mình vừa mắc COVID-19 và đã có kháng thể.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ) đã phát hiện rằng kháng thể trung hòa ở trẻ em từng mắc COVID-19 sẽ giảm dần trước tất cả các biến thể, đặc biệt là biến thể Omicron. Không những vậy, với một số trẻ, phải rất lâu sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19 mới xuất hiện các triệu chứng. Tất cả những điều này đã một lần nữa cho thấy sự cần thiết phải củng cố “lá chắn” bảo vệ trẻ em. 

Bên cạnh đó, không ít phụ huynh còn ngần ngại, chần chừ cho con đi tiêm do bị tác động bởi những thông tin sai lệch về tác dụng phụ của vaccine lan truyền trên mạng xã hội.

Về vấn đề này, Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) của Mỹ đã khẳng định vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna an toàn và hiệu quả đối với tất cả trẻ em, kể cả trẻ dưới 5 tuổi. Kết quả nghiên cứu của Đại học Monash, Australia cho thấy nguy cơ viêm cơ tim liên quan đến tiêm phòng COVID-19 rất thấp đối với lứa tuổi 12-18.

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát mới nhất của các nhà khoa học Nhật Bản, trẻ em ở từ 5-11 có tỷ lệ sốt thấp hơn so với người lớn sau khi tiêm mũi vaccine thứ hai phòng COVID-19.

Về phản ứng dị ứng, các nhà nghiên cứu miễn dịch học cho rằng vaccine của Pfizer an toàn cho trẻ em, ngay cả trong trường hợp trẻ nghi ngờ có phản ứng dị ứng với mũi đầu tiên của vaccine này hoặc nghi ngờ dị ứng với các thành phần có trong vaccine như polyethylene glycol (PEG) hoặc polysorbate.

Tiến sỹ Nhi khoa Moshe Ashkenazi, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Safra tại Israel, khẳng định việc tiêm phòng cho trẻ em là cần thiết và cần được tiếp tục triển khai. Chuyên gia này nhận định mặc dù số ca mắc mới COVID-19 có thể không nhiều như các đợt dịch trước, nhưng virus SARS-CoV-2 vẫn chưa biến mất hoàn toàn và nguy cơ với trẻ nhỏ vẫn hiện hữu. Trước tình hình trên, một số nước, như Mỹ, Argentina… cũng áp dụng liều vaccine tăng cường cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Các nghiên cứu khoa học và thực tế triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở nhiều nước đã chứng minh tiêm phòng sẽ giúp trẻ có một “tầng bảo vệ’ quan trọng, giảm nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ bệnh trở nặng cũng như các triệu chứng hậu COVID.

Việc đưa trẻ em đi tiêm vaccine, cung cấp “tầng bảo vệ” hữu hiệu và thiết yếu cho trẻ chính là bước quan trọng hàng đầu nhằm tạo ra môi trường học tập và sinh hoạt an toàn trước COVID-19, để trẻ em có thể trở lại cuộc sống bình thường như mong muốn chung của các bậc cha mẹ.

Một giải pháp bảo vệ khác không kém phần quan trọng là đảm bảo rằng mọi người ở quanh các em đều đã tiêm phòng, bao gồm cả mũi tăng cường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục