Tiến độ "rùa" của các công trình kỷ niệm 1000 năm

Trong 34 công trình cần tập trung hoàn thành năm 2010 cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội thì mới hoàn thiện chưa đầy 20%.
Thời điểm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long không còn bao xa, các Sở, ngành của Hà Nội đang gấp rút giải quyết những công việc thuộc thẩm quyền. Việc cần làm thì bề bộn mà thời gian không còn nhiều, đặc biệt tiến độ triển khai các công trình kỷ niệm đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Cũng vì lẽ đó, ngày17/12, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã họp báo cáo tình hình thực hiện các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc

Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia 1000 năm Thăng Long-Hà Nội Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Nhìn chung, trong công tác xây dựng các công trình kỷ niệm các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư đã có chuyển biến, tích cực tập trung triển khai các công trình. Do đó, tiến độ triển khai tại một số công trình có chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu tổng tiến độ đã được Uỷ ban Nhân dân thành phố phê duyệt”.

Tuy nhiên, so với tiến độ của các công trình được phê duyệt tại Quyết định số 835/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố, một số công trình vẫn còn chậm.

Ông Tuấn lý giải nguyên nhân của việc chậm trễ này, do “năng lực triển khai nhiệm vụ của chủ đầu tư còn hạn chế trên các khâu: chậm hoàn thiện các thủ tục đầu tư; thiếu đôn đốc về tiến độ, kiểm soát chất lượng, nghiệm thu sản phẩm hồ sơ tư vấn trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; chất lượng tư vấn chưa đáp ứng nhu cầu.”

Bên cạnh đó, còn nhiều “vướng mắc trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng như: nhân dân bị thu hồi đất khiếu nại về chính sách đền dù, yếu tố quy hoạch… Chậm triển khai các điều kiện về quỹ nhà, quỹ đất phục vụ di dân tái định cư giải phóng mặt bằng tại một số công trình. Một số quận, huyện chưa vào cuộc quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng cũng làm chậm tiến độ thi công.”

Ông Tuấn cũng nhìn nhận sự thiếu sót “ở trên” do “sự phối hợp giữa các Sở, ngành và chủ đầu tư chưa được tốt, một số Sở, ngành chưa hướng dẫn chu đáo việc thực hiện các thủ tục hoặc giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền chưa dứt điểm, thời gian giải quyết còn kéo dài”.

Song theo ông, không thể không tính đến nguyên nhân về mặt kỹ thuật, vì “một số công trình do tính chất đặc thù, yêu cầu cao về kỹ thuật, chất lượng đòi hỏi phải có tư vấn nước ngoài trong khi chủ đầu tư chưa có kinh nghiểm triển khai nên thời gian hoàn thiện thủ tục và lựa chọn nhà đầu tư vẫn kéo dài”.

Nguyên nhân tiến độ các công trình chậm còn vì các chủ đầu tư đã chậm chạp trong việc  báo cáo và đề xuất kiến nghị để cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án.

Và có thể “thông cảm” được cho sự chậm trễ này chăng khi nguyên nhân được “đổ tại” suy thoái kinh tế thế giới và trong nước đã góp phần làm một số công trình không sử dụng nguồn vốn ngân sách, nhà đầu tư xin giãn tiến độ, thậm chí xin rút khỏi dự án.

Chưa đến… 20% công trình hoàn thành

Theo Quyết định 1470/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ, có nhóm 34 công trình cần tập trung chỉ đạo hoàn thành vào năm 2010, trong số đó có 19 công trình văn hóa-xã hội. Và tính đến nay mới có 4/19 công trình hoàn thành là Thư viện Hà Nội; Tôn tạo, bảo tồn và nâng cấp tượng đài Vua Lý Thái Tổ; Quảng trường Cách mạng tháng Tám; Trung tâm đào tạo Vận động viên cấp cao Hà Nội (đã hoàn thành hạng mục công trình: bể bơi, bể nhảy cầu, Cung thi đấu Điền kinh trong nhà). 15 công trình còn lại đang được triển khai thực hiện theo kế hoạch.

Với 15 công trình hạ tầng kỹ thuật-đô thị, đã có 2 công trình hoàn thành là Đường Kim Liên-Ô chợ Dừa (đường Xã Đàn); Cầu Đen (Hà Đông). 5 công trình khác đang cơ bản hoàn thành và 8 công trình còn lại đang được tập trung triển khai thực hiện theo Kế hoạch.

Các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội theo Quyết định trên còn có: Nhóm 5 công trình thuộc diện hoàn thiện thủ tục khởi công chào mừng Kỷ niệm; Nhóm 6 công trình thuộc diện khuyến khích hoàn thành vào dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long; Nhóm 20 công trình thuộc diện đẩy nhanh tiến độ và triển khai theo kế hoạch.

Tuy nhiên, các công trình thuộc ba nhóm này chủ yếu mới dừng lại ở mức: đã cơ bản hoàn thành; hoàn thành phê duyệt dự án; đang triển khai xây dựng; thậm chí có công trình đã triển khai thi công nhưng tạm dừng do chủ đầu tư khó khăn về tài chính…

Bày tỏ mối quan ngại về vấn đề tài chính, ông Nguyễn Minh Thuyết (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội) cho biết, tình hình kinh phí hiện rất khó khăn, các công trình đang thi công lấy chi phí chủ yếu từ các Bộ. Tỉnh Ninh Bình được cấp trên 1000 tỷ đồng, tỉnh Hải Phòng được cấp trên 2000 tỷ đồng…

Kinh phí đầu tư hạn hẹp, tiến độ triển khai các công trình chậm trễ... trong khi thời điểm Đại lễ đã gần kề. Các Sở, ngành và nhân dân không cùng phối hợp để gấp rút triển khai và hoàn thiện nhanh chóng các chương trình, dự án e rằng sẽ không kịp./.

Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục