Tiền Giang tập trung nguồn lực đầu tư cho lực lượng Công an xã, thị trấn

Tiền Giang phấn đấu đến hết năm 2024 bố trí tối thiểu 8 Công an chính quy ở mỗi xã và mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã.

Công an tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai giải pháp nâng cao năng lực cho lực lượng Công an xã. (Ảnh minh họa: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)
Công an tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai giải pháp nâng cao năng lực cho lực lượng Công an xã. (Ảnh minh họa: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Thực hiện Đề án của Bộ Công an về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở,” Công an tỉnh Tiền Giang hoàn thành tổ chức Công an xã, thị trấn chính quy.

Bắt đầu triển khai bố trí Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã từ năm 2019, đến nay, Tiền Giang có 989 Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng, Phó và Công an viên Công an xã, đạt 7 đồng chí/xã.

Tiền Giang phấn đấu đến hết năm 2024 bố trí tối thiểu 8 Công an chính quy ở mỗi xã.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Công an tỉnh Tiền Giang chủ động cử đi đào tạo và mở 10 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, đảm bảo toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức.

Nội dung, chương trình đào tạo được giảng dạy theo quy định của Bộ Công an. Đến nay, 100% cán bộ Công an xã, thị trấn có trình độ nghiệp vụ từ trung cấp trở lên; trên 93% cán bộ được tập huấn, bồi dưỡng theo chương trình của Bộ Công an và gần 60% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.

Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện cho Công an xã, thị trấn; chủ động bảo đảm tốt hậu cần, kỹ thuật phục vụ các mặt công tác, chiến đấu thường xuyên và đột xuất.

Công an tỉnh phối hợp đơn vị, địa phương quan tâm, tạo điều kiện cải tạo, sửa chữa doanh trại và bố trí trụ sở, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho lực lượng Công an xã.

Đến nay, 11/11 địa phương triển khai, duy trì khai thác hệ thống văn phòng điện tử đến Công an cấp xã thực hiện việc gửi, nhận văn bản kịp thời, hiệu quả; đưa vào sử dụng 14 trụ sở làm việc Công an xã, thị trấn...

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 12/NQ/ĐUCA của Đảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, phấn đấu đến hết năm 2025 có 100% Công an xã, thị trấn được đầu tư, xây dựng trụ sở làm việc, Công an tỉnh Tiền Giang đã tham mưu, được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng 130 trụ sở làm việc Công an xã, thị trấn trên địa bàn giai đoạn 2023-2025, kinh phí hơn 600 tỷ đồng.

Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đánh giá qua một năm triển khai, việc thực hiện Nghị quyết 12/NQ/ĐUCA trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, được nhân dân đồng tình ủng hộ, cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.

Công an xã, thị trấn tham mưu cấp ủy, Ủy ban Nhân dân cùng cấp ban hành hơn 1.500 văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện biện pháp phòng, chống tội phạm, quản lý nhà nước về trật tự xã hội, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự địa bàn các xã, thị trấn có chuyển biến tích cực.

Năm 2023, Công an xã, thị trấn tiếp nhận trên 1.100 tố giác, tin báo về tội phạm; tiếp nhận, xử lý trên 960 vụ việc về an ninh trật tự, xử lý gần 650 đối tượng; bắt và vận động đầu thú 23 đối tượng truy nã; phát hiện, xử lý hành chính hơn 2.400 vụ; đưa 424 đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…

Trong năm, Công an tỉnh Tiền Giang có 203 lượt tập thể, cá nhân Công an xã, thị trấn được Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, Công an tỉnh, lãnh đạo các cấp biểu dương, khen thưởng về thành tích xuất sắc dũng cảm truy bắt tội phạm và xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng.

Năm 2024, Công an tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai giải pháp nâng cao năng lực cho lực lượng Công an xã, trong đó, ngành chú trọng điều động, tăng cường quân số, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ; bảo đảm hậu cần, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, trụ sở làm việc…, đặc biệt ưu tiên cho địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội và xã vùng sâu, vùng xa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục