Tiến sỹ văn học 'bắt lỗi' đề thi Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Tiến sỹ Trịnh Thu Tuyết cho rằng đề thi Ngữ văn năm nay khá hay, nhưng có nhiều "sạn" như câu hỏi mở nhưng mang tính định hướng, thiếu tính logic trong diễn đạt.
Tiến sỹ văn học 'bắt lỗi' đề thi Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo? ảnh 1Thí sinh thảo luận về đề môn Ngữ văn sau khi thi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đang được dư luận đặc biệt quan tâm với rất nhiều ý kiến trái chiều.

Tiến sỹ Văn học Trịnh Thu Tuyết, giáo viên dạy văn trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã có những phản biện sắc sảo về những mặt được, chưa được của đề thi:

“Đề thi đã đặt ra những vấn đề để cho học sinh phải suy nghĩ và bất kỳ đề thi nào đặt ra vấn đề để học sinh phải suy nghĩ đều là đề tốt. Tuy nhiên, đề thi vẫn có một số vấn đề."

Câu hỏi mở có tính định hướng

"Thứ nhất, ở phần đọc hiểu, ngữ liệu trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của nhà thơ Nguyễn Duy, được viết từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, vấn đề của thập kỷ 80 trước ấy cho đến bây giờ không chỉ là vẫn còn tính thời sự mà thậm chí có thể khiến cho học sinh, cho người đọc nghĩ đến rất nhiều vấn đề khác trong thực trạng của đất nước hiện nay.

Ba câu hỏi đầu của phần đọc hiểu là khá dễ, hướng tới những thí sinh có mục đích thi môn Ngữ văn để xét công nhận tốt nghiệp.

Vấn đề xuất hiện ở câu hỏi thứ 4: Theo anh/chị, quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: “ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên" có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Vì sao?

Nói về mặt tính chất mở thì câu hỏi này không mở, vì cụm từ “có còn phù hợp với thực tiễn hiện nay không” là cụm từ mang tính định hướng. Và ở đây, học trò sẽ rất dễ nhận ra định hướng phủ định của phản biện, nên chắc chắn rất nhiều học trò sẽ trả lời là không còn phù hợp với thực tiễn ngày nay. Vấn sẽ xuất hiện tiếp tục ở việc trả lời câu hỏi “vì sao”. Vì sao lại không còn phù hợp với thực tiễn ngày nay nữa? Nó sẽ đưa học trò chạm đến những vấn đề rất thời sự của đất nước hiện nay.

Đề mở, đáp án có mở?

Câu hỏi nghị luận xã hội của phần Làm văn: Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay?

Vẫn như mọi khi, nội dung nghị luận có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với vấn đề đặt ra trong ngữ điệu đọc hiểu, trong nhan đề của bài thơ, đó là “đánh thức tiềm lực.”

Tôi nghĩ rằng, nếu về mặt được,thì đây là một đề bài khá cụ thể, đặt ra những yêu cầu rất cụ thể và chính xác cho học trò. Vấn đề này rất lớn, tuy nhiên, bình diện vấn đề chỉ đề cập đến khía cạnh nhỏ là đó là sứ mệnh của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay, tôi nghĩ yêu cầu này là cụ thể và không có vấn đề gì.

[Chi tối đa 60 triệu đồng để làm một đề môn Ngữ văn thi THPT quốc gia]

Tuy nhiên, vấn đề trong câu đọc hiểu đặt ra là ở tính khả thi và tính cụ thể của các bài làm của học trò trong tình huống chúng ta có thể hình dung. Ở đây là trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân, tức là mỗi em học sinh năm nay 18 tuổi, trong vai trò một công dân, thì có 2 khả năng lớn.

Thứ nhất, học sinh sẽ nói như là một bản thu hoạch hay là bài viết về sứ mệnh của học trò mang tính lý thuyết. Trường hợp thứ hai, với những học sinh hiểu biết, quan tâm và biết trăn trở suy nghĩ, đây là đề bài có thể giúp cho học sinh có thể trình bày những  suy nghĩ của mình một cách sâu sắc nhất.

Vấn đề là đặt ra là đáp án có chấp nhận những ý kiến trái chiều của học trò hay không, sự chủ động của học trò khi vấn đề đánh thức tiềm lực là vấn đề rất lớn của nước ta hiện nay. Trong vai trò là giáo viên, chung tôi rất quan tâm đến việc đáp án như thế nào?

Tiến sỹ văn học 'bắt lỗi' đề thi Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo? ảnh 2Vẻ mặt lo lắng của thí sinh sau khi làm xong bài thi Ngữ văn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thiếu logic trong câu hỏi nghị luận văn học

Câu nghị luận văn học: Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu). Từ đó anh/chị hãy liên hệ sự đối lập giữa thành cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

Đúng như mô hình đề đã công bố thử nghiệm, đó là phân tích kiến thức lớp 12 có phần liên hệ với lớp 11. Đề yêu cầu nhận xét về cái nhìn hiện thực của hai nhà văn, cơ bản là các em làm tốt, nhất các em học sinh khối D và C, vì khi dạy hai tác phẩm này, các giáo viên đều dạy trọng tâm đến cái nhìn hiện thực của các tác giả. Đề thi đã đề cập đến vấn đề cốt lõi của hai tác phẩm là giá trị nhân đạo. Đây là đề tốt, đúng, cơ bản.

Tuy nhiên, cách diễn đạt lại rất có vấn đề vì ở đây có sự thiếu logic khi sử dụng các hình ảnh đối lập nhưng không cùng hệ quy chiếu dẫn đến sự thiếu thuyết phục của đề thi.

So sánh đầu tiên là hình ảnh về chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Thông thường, người ta sẽ so sánh vẻ đẹp lung linh của chiếc ngoài xa và vẻ đẹp thực tế khi lại gần, nhưng ở đây, chiếc thuyền ngoài xa (vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên) lại được đặt trong sự so sánh mang tính đối lập với cảnh bạo lực - một thực tế đau thương, một hình ảnh đáng chua xót về nạn bạo hành gia đình, đó là một cách so sánh hơi khiên cưỡng, khó cho học sinh khi triển khai các luận điểm.

Sự so sánh thứ hai là hình ảnh đối lập của phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu. Đúng ra, cảnh phố huyện đêm khuya phải được đặt với “thế giới khác” của đoàn tàu đưa đến mới có ý đối lập. Nếu hình ảnh phố huyện nói chung và hình ảnh phố huyện lúc đêm khuya cho thấy một bức tranh cuộc sống quẩn quanh, buồn tẻ của phố huyện thì hình ảnh đoàn tàu mỗi đêm đem đến sự liên tưởng về một “thế giới khác” náo nhiệt, tươi vui.

Với câu hỏi này, người ra đề hoàn toàn có thể thay bằng cách diễn đạt logic khi yêu cầu thí sinh: “Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và bức tranh hiện thực cuộc sống một gia đình hàng chài khi chiếc thuyền tới gần. Từ đó, anh/ chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa thế giới của phố huyện lúc đêm khuya và "thế giới khác" mà đoàn tàu đem đến để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả”. Như vậy, ý hỏi sẽ rất trọn vẹn.

Nhìn tổng thể, đề có những đổi mới và hướng đến những vấn đề rất cần thiết, hướng đến cuộc sống ngày nay và giá trị lớn nhất của tác phẩm văn chương là giá trị nhân đạo, nhưng cách diễn đạt và câu chữ cần phải logic hơn."./.

Tiến sỹ văn học 'bắt lỗi' đề thi Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo? ảnh 3Đề thi môn Ngữ văn. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục