Tiếp tục rà soát pháp luật phù hợp với cam kết trong CPTPP

Liên quan đến việc rà soát pháp luật phù hợp với cam kết trong CPTPP, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cho biết Chính phủ đã rà soát hệ thống pháp luật có liên quan.
Tiếp tục rà soát pháp luật phù hợp với cam kết trong CPTPP ảnh 1Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của các nhà báo. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và đại diện một số Ủy ban của Quốc hội đã trả lời, giải đáp nhiều vấn đề mà báo chí quan tâm.

Liên quan đến việc rà soát pháp luật phù hợp với cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cho biết Chính phủ đã rà soát hệ thống pháp luật có liên quan, đề xuất sửa đổi 8 dự án luật, ngoài Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được thông qua, còn 7 dự án luật.

"Việc này không nhất thiết phải làm ngay trong năm 2019 mà có những quy định có thể điều chỉnh trong 3-5 năm, thậm chí 7 năm nữa," Phó Chủ nhiệm Nguyễn Sỹ Cương nêu rõ.

Trả lời câu hỏi có cần sửa đổi quy định việc lấy phiếu tín nhiệm người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn với 3 mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh đây là lấy phiếu tín nhiệm chứ không phải là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ở nước ngoài là bỏ phiếu bất tín nhiệm nên mới có hai mức (tín nhiệm và không tín nhiệm).

“Chúng ta quy định thông qua lấy phiếu tín nhiệm, với những người mà quá nửa đại biểu Quốc hội tín nhiệm thấp, có thể từ chức; còn nếu có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội tín nhiệm thấp, Quốc hổi chuyển sang bỏ phiếu bất tín nhiệm, khi đó phiếu mới có hai mức,” Tổng Thư ký Quốc hội phân tích.

Một số phóng viên đặt câu hỏi về việc giải quyết tranh luận giữa hai đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Hữu Cầu tại phiên chất vấn vừa qua sau khi Đảng uỷ Công an Trung ương có văn bản đề nghị Đảng đoàn Quốc hội xem xét về sự việc và phát biểu của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại phiên chất vấn vừa qua, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng có hỏi Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu tranh luận lại. Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho rằng số liệu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra chưa chính xác.

[Nhiều dấu ấn quan trọng tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV]

Điều hành phiên chất vấn đó, Chủ tịch Quốc hội có giao cho hai đại biểu trao đổi với nhau, sau đó, Đảng ủy Công an Trung ương đã có văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội.

"Ban Công tác đại biểu đã trao đổi với cơ quan của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về việc này. Đại biểu Nhưỡng đã tiếp thu và trao đổi lại với báo chí," Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định nguyên tắc của phiên chất vấn là đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn với các thành viên Chính phủ và thành viên Chính phủ có trách nhiệm trả lời.

Đại biểu có ý kiến tranh luận với nhau khi tham gia thảo luận các vấn đề kinh tế, xã hội và các vấn đề về Luật.

“Việc đại biểu trả lời thay cho Bộ trưởng là không phải. Do đó, khi đại biểu Lưu Bình Nhưỡng muốn tranh luận lại, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu hai đại biểu gặp nhau riêng trong giờ giải lao,” Tổng Thư ký Quốc hội cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục