Tiếp tục tuần hành rầm rộ phản đối nạn bài ngoại ở Đức

Ngày 10/1, khoảng 35.000 người đã tuần hành trên các tuyến đường ở thành phố Dresden để bày tỏ đoàn kết với người nước ngoài và người tị nạn ở Đức.
Tiếp tục tuần hành rầm rộ phản đối nạn bài ngoại ở Đức ảnh 1Hàng nghin người tuần hành phản đối phong trào Pegida ở Berlin. (Ảnh: Đức Chung/TTXVN)

Ngày 10/1, khoảng 35.000 người đã tuần hành trên các tuyến đường ở thành phố Dresden - thủ phủ bang Saxony - để bày tỏ đoàn kết với người nước ngoài và người tị nạn ở Đức, đồng thời phản đối phong trào biểu tình mang tên "Người châu Âu chống Hồi giáo hóa phương Tây" (Pegida).

Phóng viên TTXVN tại Đức cho biết người biểu tình ở mọi lứa tuổi, tầng lớp đã kéo về trước Nhà thờ Đức mẹ ở Dresden, nơi đầu tiên xuất hiện phong trào Pegida, để lên án nạn bài ngoại và phân biệt chủng tộc vốn đang lan rộng tại nhiều thành phố ở Đức.

Sau khi dành phút mặc niệm để tưởng nhớ nạn nhân các vụ tấn công khủng bố vừa qua ở Paris (Pháp), Thị trưởng thành phố Dresden, bà Helma Orosz, đã có bài phát biểu thể hiện sự đoàn kết của người dân Dresden, dù là người Cơ đốc, Do Thái, Hindu hay Hồi giáo.

Theo bà, người dân ở Dresden hay bất kỳ đâu trên toàn nước Đức sẽ không thể bị chia tách bởi sự phân biệt màu da, sở thích và nền văn hóa. Bà nhấn mạnh nước Đức là "ngôi nhà chung" cho người dân ở mọi lứa tuổi, sắc tộc và tôn giáo.

Gần đây, phong trào Pegida đã làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc tại Đức khi quy mô các cuộc tuần hành "chống Hồi giáo hóa phương Tây" ngày càng mở rộng, từ 500 người tham gia lúc đầu lên tới 18.000 người lúc đỉnh điểm.

Chính giới Đức cũng kịch liệt phản đối Pegida, cho rằng phong trào này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới nội bộ nước Đức mà còn làm xấu hình ảnh Đức trên trường quốc tế.

Báo chí Đức cho biết Pegida đã nộp đơn xin lập "Hội Pegida" hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận để tránh phải nộp thuế cho các khoản tiền quyên góp sau này.

Trong một diễn biến khác, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel đã gửi thư kêu gọi các đảng phái dân chủ, các tổ chức tôn giáo, lao động, công đoàn, xã hội và các tổ chức khác tuần hành ở Berlin để bày tỏ khát khao "chung sống trong môi trường hòa bình, dân chủ" ở Đức và châu Âu.

Trước đó, ông Gabriel từng nhấn mạnh đến việc nước Đức được hưởng lợi từ việc là một quốc gia mở, nơi có người dân từ khắp các nền văn hóa khác nhau cùng sinh sống và làm việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục