Tiết lộ nguyên nhân Mỹ và châu Âu "khó nhìn mặt nhau"

Nhiều động thái theo kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" có thể đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh chủ chốt ở EU.
Tiết lộ nguyên nhân Mỹ và châu Âu "khó nhìn mặt nhau" ảnh 1Sự mâu thuẫn liên quan đến Iran có thể là một trong những bước ngoặt trong lịch sử mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh chủ chốt ở EU. (Nguồn: useu.usmission.gov)

Reuters/Tân Hoa xã đưa tin châu Âu dường như lâm vào thế đối đầu với Mỹ sau khi Liên minh châu Âu kêu gọi các doanh nghiệp châu Âu tiếp tục đầu tư vào Iran, trong một động thái nhằm thách thức các biện pháp trừng phạt mới mà Washington tái áp đặt đối với quốc gia Hồi giáo này.

Phát biểu trước báo giới ngày 7/8, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại châu Âu, bà Federica Mogherini, tuyên bố: "Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cường làm ăn với Iran như một phần của điều mà chúng ta coi là ưu tiên an ninh."

Liên minh châu Âu cũng tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ các công ty châu Âu.

Tuyên bố này - vốn được Pháp, Anh và Đức ủng hộ - có thể gây hủy hoại hơn nữa mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn đã bị rạn nứt bởi tranh cãi liên quan đến thuế quan thương mại và đóng góp cho NATO.

Chia sẻ với Tân Hoa Xã, Dalia Dassa Kaye - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách công Trung Đông thuộc Cơ quan nghiên cứu và phát triển RAND Corporation (của Mỹ) - cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ làm tổn thương các đồng minh châu Âu của Mỹ và Iran, đồng thời tỏ thái độ hoài nghi về ý kiến cho rằng tác động của các đòn trừng phạt mới sẽ giúp thúc đẩy các lợi ích của Washington vì làm cho Tehran "dễ bảo" và bớt nguy hiểm hơn. "Trên thực tế, mọi việc có thể trở nên tồi tệ hơn," nữ chuyên gia này nói.

[Mỹ tái cấm vận có "thay đổi được hành vi" của Iran?]

Theo bà Kaye, việc động thái "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" có thể đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh chủ chốt ở EU.

Trong một động thái tỏ rõ sự tức giận, Đức đã lớn tiếng bảo vệ mối quan hệ kinh doanh của họ với Iran, bất chấp việc Trump cảnh báo rằng bất kỳ công ty nào làm ăn với Tehran sẽ bị "cấm cửa" ở Mỹ.

Chính phủ Đức cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran vốn gây tác động ngoài lãnh thổ là sự vi phạm luật quốc tế.

Bên cạnh đó, mặc dù không phải là đồng minh của Washington ở châu Âu nhưng sự quan tâm của báo giới không bỏ qua phản ứng của Trung Quốc, nước cũng đang lâm vào cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ, coi hành động của Mỹ là vượt thẩm quyền của một quốc gia.

Tác động của đòn trừng phạt đối với châu Âu là rộng lớn, với hàng chục công ty có nguy cơ thua lỗ hàng chục tỷ euro trong các thương vụ với Iran.

Mặc dù các nước châu Âu cam kết sẽ giảm thiểu tác động của đòn trừng phạt, đồng thời kêu gọi các công ty không rút khỏi Tehran, nhưng điều này dường như không dễ.

Các công ty đã rời thị trường quốc gia Hồi giáo này vì không muốn "đánh cược" mối quan hệ làm ăn của họ với các doanh nghiệp Mỹ.

Trong số các công ty ngừng triển khai kế hoạch đầu tư ở Iran phải kể đến tập đoàn dầu khí đa quốc gia Total của Pháp, hãng sản xuất xe hơi PSA và Renault của Pháp, và đối thủ Daimler của Đức.

Viễn cảnh đối với nền kinh tế Iran sẽ thảm hại hơn nhiều khi vòng 2 các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ có hiệu lực vào tháng 11 tới, nhắm vào các ngành năng lượng và ngân hàng.

Trong thời gian qua, giới chức Mỹ nói rằng việc gây sức ép để các nước ngừng nhập khẩu dầu của Iran là nỗ lực nhằm buộc Tehran từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân, đồng thời buộc Iran rút khỏi các cuộc xung đội khu vực ở Syria và Iraq.

[EU hối thúc Mỹ duy trì đóng góp tài chính cho Liên hợp quốc]

Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định rằng ý đồ của Mỹ muốn xuất khẩu dầu mỏ của Iran giảm xuống con số 0 sẽ "chết yểu," đồng thời cảnh báo những hậu quả mà Washington sẽ gánh chịu.

Tháng Bảy vừa qua, Tổng thống Iran Hasan Rouhani đã bóng gió nói rằng nước này sẽ chặn Eo biển Hormuz, một tuyến hải lộ quan trọng, nếu Mỹ muốn "tuyệt đường" xuất khẩu của Tehran.

Ngoài ra, Iran đã "giương cao tinh thần thép" khi Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei trấn an người dân rằng không có gì phải lo sợ trước các biện pháp trừng phạt.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Triều Tiên, Tổng thống Rouhani đã làm "mất mặt" Washington khi nói rằng Mỹ không đáng tin cậy vì không tuân thủ bất kỳ nghĩa vụ nào.

Trong khi đó, bất đồng ngày càng gia tăng giữa Washington và Brussels liên quan thỏa thuận hạt nhân Iran mà Mỹ rút khỏi từ hồi tháng Năm.

Các nước châu Âu muốn duy trì thỏa thuận này cho dù có hay không sự tham gia của Mỹ. "Thỏa thuận này rõ ràng đã 'chết yểu.' Tuy nhiên, các biên bản ký kết - trừ Mỹ - lại rất muốn cứu vớt thỏa thuận này. Thế nhưng, quan điểm của Mỹ và Iran về thỏa thuận này như thế nào lại luôn là yếu tố quan trọng hơn cả," tiến sỹ Michael Axworthy, giảng viên cao cấp tại Đại học Exeter (Anh), bình luận.

Theo Reuters, Iran đã khước từ lời đề nghị vào phút chót của Trump về đàm phán thỏa thuận hạt nhân.

Tehran cho rằng Washington đã bội ước khi không còn tuân thủ thỏa thuận và đã tái áp đặt trừng phạt.

Trong một phát biểu được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Rouhani nói: "Nếu bạn bị ai đó 'đâm sau lưng' rồi lại bảo là muốn đàm phán, điều đầu tiên cần làm là rút con dao đó ra"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục