Trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội thay đổi không ngừng, đời sống văn hóa nghệ thuật phát triển như vũ bão, nghệ thuật sân khấu truyền thống đang ở những khúc quanh đầy khó khăn. Đã đến lúc chúng ta cần đánh giá một cách toàn diện những chặng đường đã qua để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này trong tương lai. Cần đào tạo chuyên sâu Nhấn mạnh yêu cầu phải đào tạo đội ngũ tác giả một cách chuyên sâu, Giáo sư Hà Văn Cầu cho rằng,không thể đào tạo đại trà tất cả tác giả của mọi loại hình trong cùng một lớp. Bởi theo ông, kịch bản là đầu vào của nghệ thuật biểu diễn, có vai trò quyết định giá trị tư tưởng văn hóa của một tác phẩm sân khấu. Nếu xét về mặt nghệ thuật, nó lại có giá trị về mặt chuyên biệt loại hình. Giáo sư khắng định, mỗi loại hình có một yêu cầu riêng, nếu không nắm được các yêu cầu đó mà viết một cách chung chung thì sẽ làm loại hình đó nghèo đi. Muốn trong tác phẩm sân khấu có tượng hình, tượng thanh, tượng cảm xúc thì tác giả phải viết sao cho lời đối thoại hàm chứa được tình ý. Việc đó không thể rèn luyện trong một buổi. “Người nghệ sĩ phải được đào tạo theo hướng chuyên sâu, gặp bất cứ trường hợp nào cũng tự mình giải quyết được. Ví dụ, người diễn viên xưa nhớ hàng trăm bài hát, ngày nay, diễn viên phải thông thạo kỹ xướng âm, gặp bất cứ bài hát nào cũng có thể tập hát một mình được,” giáo sư Hà Văn Cầu nói. Đồng tình với giáo sư Hà Văn Cầu, nhạc sĩ Đôn Truyền cho rằng, những người làm nghệ thuật sân khấu truyền thống phải được đào tạo để có một vốn kiến thức chuyên môn sâu, rộng về nhiều lĩnh vực. Giải thích về việc này, nhạc sĩ phân tích nghệ thuật sân khấu là một loại hình nghệ thuật tổng hợp bao gồm nhiều thành tố như: văn, nhạc, múa, hội họa, diễn xuất trong sự đồng bộ, hài hòa, lý tưởng, gắn bó hữu cơ, máu thịt. Sự gắn kết của các thành tố càng khăng khít thì tác phẩm sân khấu càng có giá trị thẩm mỹ cao. Chỉ cần một thành tố sai lạc kém chất lượng thì tác phẩm sân khấu sẽ trở nên khô cứng, xộc xệch, thậm chí sụp đổ về thẩm mỹ. “Với nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương thì vị thế của thành tố âm nhạc đặc biệt quan trọng, bởi nó là tiêu chí để nhận diện loại hình. Không thể có thứ âm nhạc dân tộc chung chung cho các loại hình. Việc này, đòi hỏi phải có sự đào tạo chuyên sâu,” ông Tuyền nói. Dựa vào nội lực Nhạc sĩ Đôn Tuyền cũng nhấn mạnh, muốn nâng cao vị thế của nghệ thuật truyền thống trong đời sống cộng đồng, muốn lôi kéo khán giả về với tuồng, chèo không thể dùng biện pháp hành chính hay kinh tế mà là ở chính sự nỗ lực nội tại của giới sân khấu truyền thống. Như sự khẳng định của phó giáo sư Tất Thắng, việc bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống chính bằng vai diễn, vở diễn sân khấu, qua sự sáng tạo đầy sức mạnh nhân thân và cảm hứng sáng tạo của các thế hệ nghệ sỹ tiếp nối nhau. Ông cũng cho biết, nghệ thuật sân khấu truyền thống là loại hình văn hóa tổng hợp vật thể và phi vật thể nên việc bảo tồn cũng phải là bảo tồn một cách tôn hợp. Còn theo nghệ sĩ ưu tú Trần Minh Ngọc, những đơn vị nghệ thuật nên thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ nghệ sĩ. Ông Ngọc phân tích, tình trạng xuống cấp của sân khấu có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân chính là thế hệ người làm nghề hôm nay không đủ sức kế thừa hoặc không được chuẩn bị tốt để kế thừa, tiếp tục giữ gìn và phát huy những tinh hoa của nghệ thuật sân khấu truyền thống. Giữa các thế hệ đã có một khoảng cách khá lớn mà muốn xóa đi hoặc thu hẹp khoảng cách lại phải có thời gian và giải pháp căn cơ, lâu dài. Trước mắt, thế hệ trẻ cần được trang bị kiến thức để họ có thể yêu và thích sân khấu dân tộc. Cũng chỉ ra giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống dựa trên yếu tố nội lực của các đơn vị nghệ thuật, phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Hoài Phương đã nhấn mạnh vào nhu cầu cần thiết đổi mới tư duy nhanh hơn nữa của các đơn vị này. Bà Phương chỉ ra, các đơn vị cần đầu tư nhân lực và tài chính cho nghiên cứu thị trường, nghiên cứu khán giả và phát triển khán giả, xúc tiến mạnh công việc quảng bá về nhà hát, về loại hình nghệ thuật của mình. Bên cạnh đó, bà Phương còn cho biết, việc đào tạo khán giả cho sân khấu truyền thống cũng là một trong những giải pháp cần thiết để giữ cho sân khấu truyền thống không bị rơi vào tình trạng “sống dở, chết dở.”/.
Sáng ngày 23/11, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống.” Hôi thảo nhằm đánh giá, nhìn nhận một cách toàn diện những chặng đường phát triển đã qua, từ đó có biện pháp khắc phục những yếu kém tồn tại đồng thời phát huy những mặt tích cực, tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống. |
Thiên Linh (Vietnam+)