Ngày 4/5, tại Hà Nội, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức buổi tọa đàm "Đánh giá thực trạng hoạt động và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp".
Nhiều kiến nghị đã được các doanh nghiệp và hiệp hội đưa ra tại buổi tọa đàm. Theo ông Lê Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam: Giải pháp gỡ khó cụ thể cho doanh nghiệp nên tập trung vào chính sách vĩ mô ổn định, giảm 5% thuế VAT cho doanh nghiệp cũng như cơ cấu lại vốn vay ngân hàng. Đồng quan điểm này, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam đánh giá: Việc giảm thuế VAT xuống 5% cho doanh nghiệp là rất cần thiết bởi nó sẽ ảnh hưởng ngay vào cơ cấu giá thành để sản phẩm có khả năng cạnh tranh, giảm giá bán nhằm tăng lượng tiêu thụ trong bối cảnh hàng tồn kho nhiều như hiện nay. Bên cạnh đó, ông Đỗ Đức Oanh, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng kiến nghị, các ngân hàng nên giúp doanh nghiệp cơ cấu lại vốn, giãn được tiến độ vay nợ, giảm gánh nặng chi phí tài chính tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp vay vốn lưu động sản xuất, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp không có tiền mua than, trả điện, mua nguyên liệu đầu vào nên phải dừng sản xuất. Hàng loạt các đề xuất cụ thể cũng được đưa ra như giãn nợ cho doanh nghiệp, nới lỏng điều kiện và thời hạn vay vốn ngân hàng. Thậm chí đại diện Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam còn đề nghị cho thành lập quỹ của ngành cà phê để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn trong việc tập trung thu mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Đồng tình với những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Trần Bắc Hà-Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cũng cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu gói cứu trợ cho từng nhóm ngành hàng cụ thể, đặc biệt là ngành có ảnh hưởng lớn tới xã hội và nền kinh tế. Ngoài ra, cũng cần có chính sách giải quyết ngay ở từng lĩnh vực cụ thể như bất động sản thì cần xem xét sớm triển khai đề án thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở; hoãn việc áp dụng thuế xuất khẩu cao su; xem xét lại quy định về tỷ lệ dư nợ đối với lĩnh vực không khuyến khích. "Đặc biệt, thuế xuất khẩu nên về 0% với 1 số ngành hàng, để giải phóng hàng tồn, giải phóng lượng vốn chứ không để găm hàng, lãi lại chồng lên lãi," ông Hà nhấn mạnh.
Chiều ngày 3/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nhóm họp với 14 ngân hàng lớn để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp cũng như thống nhất việc hạ thêm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đề xuất của Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho các ngân hàng thương mại là đưa lãi suất cho vay với các đối tượng ưu tiên xuống bằng mức trần lãi suất huy động + 3%; lãi suất cho vay với các lĩnh vực khác là trần huy động +6%. |
Minh Thúy (Vietnam+)