Tìm hiểu sự thật khó tin về những 'vũ khí kỳ diệu' của Nga

New York Times đưa tin Nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin đã công khai thực hiện một công cuộc tân trang vũ khí.
Tìm hiểu sự thật khó tin về những 'vũ khí kỳ diệu' của Nga ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo New York Times đưa tin Nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin đã công khai thực hiện một công cuộc tân trang vũ khí.

Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã bị “khai tử” (ban đầu bị Moskva phá vỡ sau đó Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ).

Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược thì “ngắc ngoải” và không có tháng nào trôi qua mà Bộ Quốc phòng Nga và Tổng thống Putin không khoe một thứ vũ khí kỳ diệu mới có khả năng thay đổi cuộc chơi, thứ mà nước Đức dưới thời phátxít từng gọi là wunderwaffe (vũ khí kỳ diệu) cho một siêu dự án của họ.

Vậy có phải chúng ta có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới? Hay liệu có bất kỳ sự tương đồng nào giữa ông Putin và các cựu lãnh đạo Liên Xô? Thực ra, không có sự tương đồng nào cả.

Vì thời Liên Xô, giới lãnh đạo hiếm khi khoe khoang về vũ khí của họ mặc dù thường có các cuộc diễu binh với tên lửa qua Điện Kremlin.

[Tổng thống Putin: Nga sẽ xây dựng một hạm đội "có một không hai"]

Liên Xô khẳng định mình là một nhà nước hòa bình, bị vây hãm bởi các quốc gia hiếu chiến tư bản và khi nói về vũ khí mới thì Liên Xô luôn kín tiếng. Ở thời đó, mọi thứ mà Putin đang khoe khoang ngày nay đều được coi là tối mật, thuộc dạng tài liệu “hủy ngay sau khi đọc.”

Dưới đây là những dẫn chứng cụ thể hơn.

Bắt đầu với hệ thống phòng không S-400, loại khí tài mà Thổ Nhĩ Kỳ gần đây mua được từ Nga, hồi năm 2007, Moskva đã triển khai hệ thống này và tuyên bố đây là hệ thống phòng không tối tân nhất từng được sản xuất mà không một hệ thống tên lửa đất đối không nào khác trên thế giới có thể sánh được.

Thế nhưng, năng lực này đã chưa có dịp để chứng minh trên thực tế. Cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên của loại tên lửa 40N6E của hệ thống S-400 này diễn ra hồi năm 2015, tức 7 năm sau khi triển khai.

Tìm hiểu sự thật khó tin về những 'vũ khí kỳ diệu' của Nga ảnh 2Hệ thống S-400 Triumf của Nga tại Lễ diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ, Moskva, ngày 9/5/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các cuộc thử nghiệm đã không kết thúc cho đến tháng 7/2018. Và hồi tháng 2/2018, lô tên lửa đầu tiên loại này được chuyển giao bán cho Trung Quốc, nước háo hức chờ đợi sự kiện này từ 4 năm trước. Đoán xem điều gì đã xảy ra. Con tàu chở lô tên lửa này gặp bão.

Mặc dù toàn bộ số tên lửa được cho là đóng gói cẩn trọng song giới chức Nga tuyên bố lô hàng bị ngấm nước và cần bị hủy. Thế nên, chúng ta có thể chắc chắn rằng điều khiến S-400 không có đối thủ chính là điều mà hệ thống này phải mất 11 năm để chính thức được triển khai. Và chúng ta vẫn không thể biết được liệu nó có hoạt động được đầy đủ hay không. Chỉ có Chúa mới biết Thổ Nhĩ Kỳ sắp có được thứ gì.

Một ví dụ khác về vũ khí kỳ diệu của Nga là tên lửa hành trình siêu thanh Avangard. Đây là một trong sáu loại vũ khí chiến lược mới của Nga mà Tổng thống Putin công khai khi đọc Thông điệp Liên bang hôm 1/3/2018.

Bộ Quốc phòng đã hãnh diện tuyên bố tên lửa này, khi được phóng, có thể đạt vận tốc nhanh hơn 27 lần tốc độ âm thanh, có thể thay đổi đường bay linh hoạt ở tốc độ cao trước khi tới mục tiêu, khiến nó khó bị ngăn chặn bởi bất kỳ hệ thống phòng thủ nào. Nó tấn công “như một cầu lửa,” Putin khẳng định.

Dĩ nhiên Avangard có tốc độ quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất cực lớn, song mọi đầu đạn của tên lửa đạn đạo khác đều có khả năng này. Avangard có tốc độ bay cực nhanh vì nó được gắn những cánh nhỏ.

Thế nhưng, việc gắn cánh nhỏ cho tên lửa đạn đạo để đem lại khả năng bay linh hoạt trên không là một ý tưởng thực sự lỗi thời. Với một tên lửa đạn đạo mang theo đầu đạn có khả năng quay trở về khí quyển mà bay ở tốc độ tối đa thì bạn có ưu thế về khả năng di chuyển song lại mất đi tính chính xác.

Ví dụ thứ ba là tên lửa siêu thanh chống hạm Zirkon vốn được mệnh danh là siêu “rồng lửa” có vận tốc gấp 8 lần vận tốc âm thanh.

Thế nhưng, khó mà miêu tả được “diện mạo” của loại tên lửa này khi mà mỗi lần giới chức Nga khoe về nó lại chưng lên hình ảnh tên lửa hành trình siêu thanh X-15A Waverider của Mỹ. Và trên thực tế, chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao có chút khác biệt.

Thông thường, có hai cách để tấn công tàu. Mỹ dùng tên lửa hành trình Harpoon có tốc độ bay thấp hơn tốc độ âm thanh, còn Nga lại chọn tên lửa siêu thanh.

Mặc dù có những thành công nhất định nhưng Liên Xô chưa bao giờ chọn tên lửa siêu thanh chống hạm. Vì nhiệt độ cực lớn tạo ra ở vận tốc siêu thanh nên tên lửa này không thể bay thấp hơn 25 dặm (khoảng hơn 40km), khiến nó dễ bị tên lửa đánh chặn bắn hạ.

Ngoài ra, một bất lợi là tên lửa này không thể bay ở bất kỳ độ cao nào và nhất là khi có nguy cơ gặp nạn khi bay ở tầm thấp.

Liên Xô chọn không sản xuất tên lửa siêu thanh chống hạm không phải vì không thể chế tạo được mà vì chúng sẽ trở nên vô dụng. Chúng chỉ là thứ vũ khí kỳ diệu đối với một cuộc chiến trên máy tính, song không có gì kỳ diệu trong lĩnh vực chế tạo của thế giới thực.

Điều này đưa chúng ta trở lại chủ đề chính bàn đến ở đầu. Hầu hết khí tài quân sự mà Putin đang phô trương đều "mang dáng dấp" thời Liên Xô. Đó là thời mà những dự án vũ khí tỏ ra “chết yểu,” các loại vũ khí thậm chí còn bị chính quân đội Liên Xô khước từ không phải vì chúng quá tối tân mà vì chúng không thể sử dụng được trên thực tế.

Kho vũ khí chiến sự của Liên Xô đầy rẫy những dự án khủng vốn được mệnh danh là tối mật dù chúng có khả thi hay không. Đó chính là điều mà Putin đang lợi dụng để phô trương và là điều mà giới tướng lĩnh của ông đang rót lời đường mật.

Đôi khi, họ ca ngợi quá lời, như với S-400 chẳng hạn. Và họ không chỉ thường dẫn lại những loại vũ khí tối mật song thất bại từ thời Liên Xô mà còn cố gắng “xào xáo” chúng để biến chúng thành sự thành công trong quan hệ công chúng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục