Cà Mau là địa phương giàu tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế nông nghiệp; trong đó có lĩnh vực thủy sản.
Tôm, cua là hai ngành hàng chủ lực, gắn liền với đại bộ phận người dân. Tuy nhiên, cũng như đa phần các ngành hàng nông nghiệp là rất dễ bị “tổn thương," những năm gần đây, ngành hàng này còn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức đặc thù, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện nhằm tạo đột phá và phát triển bền vững trong tương lai.
Nhận diện các nút thắt
Nuôi tôm, cua không chỉ là sinh kế của trên 160.000 hộ dân tỉnh Cà Mau mà còn là nguyên liệu chế biến, xuất khẩu của nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp và hàng chục ngàn lao động trong, ngoài tỉnh, cũng như nhiều ngành hàng phụ trợ khác có liên quan... Qua đó, đóng góp vào nền kinh tế địa phương mỗi năm hơn 28.000 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành hàng tôm, cua tại Cà Mau đang phải đối diện với không ít tồn tại, hạn chế. Theo các chuyên gia, những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Đó là tổ chức sản xuất còn manh mún, liên kết hợp tác sản xuất chậm phát triển và chưa bền vững; sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trong khi Biến đổi Khí hậu ngày càng gia tăng; tình hình dịch bệnh luôn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp; kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi và xây dựng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn...
Tiến sỹ Phạm Thu Hiền, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung của Australia (CSIRO) nhận xét, thách thức không chỉ đến từ Biến đổi Khí hậu hay yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của thị trường nhập khẩu trên thế giới mà còn do tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Đặc biệt là tính liên kết vẫn chưa được như mong đợi khi chuỗi liên kết này rất dễ bị đứt gãy khi thị trường biến động.
Liên kết xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất được xem là xu hướng tất yếu cho thời kỳ hội nhập và tỉnh đã chú trọng thực hiện vấn đề này. Cũng đã có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết để xây dựng vùng sản xuất theo hướng sinh thái, hữu cơ đạt các chứng nhận trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong đợi.
Ông Lâm Thái Xuyên - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú, cho biết thời gian qua, doanh nghiệp thường xuyên liên kết với người dân trong tổ chức sản xuất và đã đạt 7 loại chứng nhận quốc tế khác nhau. Qua thực tế triển khai cho thấy, chuỗi giá trị ngành tôm Cà Mau vận hành chưa được nhịp nhàng. Các mắt xích trong chuỗi này như liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp hay giữa các doanh nghiệp với nhau trong cung cấp vật tư đầu vào, con giống, thuốc, thức ăn... còn lỏng lẻo, dễ bị phá vỡ. Sự lỏng lẻo xuất phát bởi mức độ hài hoà lợi ích trong chuỗi chưa cao, lợi nhuận tập trung nhiều cho nhà cung ứng, bán hàng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến chi phí sản xuất tôm của Cà Mau cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn, giá sản phẩm tôm của Cà Mau hiện nay cao hơn một số nước, nhất là Ấn Ðộ và Ecuador. Có thời điểm tôm cùng kích cỡ nhưng giá của Cà Mau cao hơn gần 1 USD so với Ấn Ðộ và Ecuador.
Trong khi đó, sự liên kết trong sản xuất hiện nay đối với con cua càng mỏng manh hơn. Bởi thực tế, dù với sản lượng khoảng 25.000 ngàn tấn mỗi năm, thế nhưng kênh tiêu thụ chủ yếu thông qua hình thức thương lái thu gom về giao lại cho các đại lý phân phối. Đó là chưa kể đến thị trường xuất khẩu cua vẫn rất bó hẹp khi chỉ chủ yếu xuất sang một số quốc gia châu Á, mà chiếm phần lớn trong số đó là thị trường Trung Quốc. Do đó, khi thị trường có những biến động không mong muốn, lập tức giá cua tụt giảm.
Liên quan đến ngành hàng này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phân tích, mặc dù đã có nền tảng, tiền đề, thuận lợi trong phát triển nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Yếu tố đầu tiên là chất lượng cua giống của Cà Mau so với trước đây đã có những dấu hiệu bị thoái hóa. Thời gian gần đây có những đợt xuất hiện dịch bệnh, cua chết xảy ra trên diện rộng... Đến nay mới xác định được nguyên nhân ban đầu và chưa đề ra được biện pháp phòng tránh.
Mặc khác, dù con cua Cà Mau có chất lượng vượt trội, có thương hiệu nổi tiếng nhưng những “nút thắt” trong việc quản lý, vận chuyển, phân phối... vẫn chưa được tháo gỡ. Ngoài ra, dù đã có giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý nhưng lúc này, lúc khác còn quản lý lỏng lẻo, sơ hở, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, danh tiếng của con cua Cà Mau.
Giải pháp khơi thông đà phát triển
Với các thách thức mà ngành chủ lực đang phải đối diện, tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ; trong đó có đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến… Đặc biệt là hướng trọng tâm vào đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra bước đột phá, tiến tới phát triển bền vững cho ngành hàng.
Tiến sỹ Nguyễn Nhứt - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhận định tôm, cua là lợi thế của Cà Mau và hiện còn nhiều tiềm năng để phát triển nhưng đang phải chịu tác động nặng nề của Biến đổi Khí hậu. Do đó, càng phải đổi mới công nghệ trước để thích ứng và phát triển. Bắt buộc phải đổi mới sáng tạo, nhất là trong bối cảnh thị trường, nguyên liệu và nhân lực đều đã toàn cầu hóa như hiện nay. Điều này không chỉ đáp ứng tốt hơn các chính sách phát triển của quốc gia mà còn của toàn cầu. Nhất là về môi trường, kinh tế, Biến đổi Khí hậu và chất lượng cuộc sống của người lao động, xã hội trong vùng sản xuất.
Còn theo Tiến sỹ Phạm Thu Hiền, cần có sự phối hợp của tất cả các bên, không chỉ riêng doanh nghiệp, nhà nghiên cứu mà còn cần có sự tham gia của nhà hoạch định chính sách, Chính phủ và người dân. Có như vậy mới có thể tạo ra hệ sinh thái, hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp; người dân có được công nghệ tối ưu để giải quyết khó khăn, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày một khắt khe.
Trong mục tiêu phát triển ngành tôm thành trung tâm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước, công nghệ nuôi tôm liên tục được đổi mới. Chỉ tính riêng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đã có rất nhiều công nghệ nuôi khác nhau đang được áp dụng theo hướng xanh hơn, bền vững hơn.
Tỉnh Cà Mau cũng đề mục tiêu cụ thể mà địa phương hướng đến là đến năm 2025 sẽ nâng giá trị kinh ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD; đến năm 2030 là khoảng 1,65 tỷ USD, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là 6 tỷ USD. Dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành tôm đến năm 2030 là khoảng 20.000 tỷ đồng.
Ðối với ngành hàng cua, sau nhiều năm chuyển đổi sản xuất, đến nay mô hình nuôi cua của tỉnh không chỉ ngày càng đa dạng về hình thức mà diện tích, sản lượng không ngừng được nâng cao qua từng năm.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau, cho biết địa phương đang triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng vùng nuôi tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống và nuôi tôm, cua thương phẩm hiệu quả, góp phần khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương…
Các chuyên gia cũng đánh giá, kế hoạch mà tỉnh Cà Mau đề ra được xem là phù hợp, kịp thời, nhất là trong bối cảnh được dự báo trong thời gian tới, ngành hàng chủ lực của địa phương sẽ phải đối mặt với càng nhiều khó khăn, thách thức hơn. Do đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ song hành cùng đổi mới, sáng tạo sẽ là chìa khoá tháo gỡ các “nút thắt," giúp ngành hàng chủ lực của địa phương phát triển nhanh, bền vững hơn trong tương lai./.
Cà Mau phấn đấu đạt 1,4 tỷ USD xuất khẩu tôm vào năm 2025
Bảy tháng năm 2024, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt 380.918 tấn, tăng 1,7%; riêng sản lượng tôm đạt 147.630 tấn, tăng 0,8% so cùng kỳ năm trước.