Tình hình 10 năm hợp tác lao động Việt Nam-Malaysia

Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Kim Phương về tình hình hợp tác lao động Việt Nam-Malaysia trong 10 năm qua.

Malaysia là một trong những thị trường tiềm năng về xuất khẩu lao động của Việt Nam.

Gần mười năm trước, ngày 1/12/2003, Việt Nam và Malaysia đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Malaysia đã phỏng vấn ông Nguyễn Kim Phương, Tham tán, Trưởng Ban Quản lý Lao động và Chuyên gia (Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) về tình hình hợp tác lao động Việt Nam-Malaysia trong 10 năm qua.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Xin ông cho biết về tình hình hợp tác lao động Việt Nam-Malaysia trong 10 năm qua?

Ông Nguyễn Kim Phương: Năm 2013 đánh dấu 10 năm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác lao động giữa hai chính phủ. Trong 10 năm qua, ta đã đưa khoảng trên 220.000 lượt người lao động sang làm việc tại Malaysia, bình quân mỗi năm 12.000 lao động.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 80.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 12/13 bang của Malaysia. Lao động Việt Nam làm việc chủ yếu trong các ngành sản xuất, chế tạo, may mặc và xây dựng, một số ít làm việc trong ngành dịch vụ.

Tuy chưa có sự tổng kết, đánh giá chính thức, nhưng theo ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý lao động của hai nước, việc đưa lao động sang Malaysia làm việc đã giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động mỗi năm, chủ yếu là lao động không có nghề, từ các địa phương và hộ nghèo, góp phần giảm áp lực việc làm trong nước và xóa đói giảm nghèo.

Việc xuất khẩu lao động sang thị trường Malaysia, nhờ Bản ghi nhớ giữa hai chính phủ làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và sau gần 10 năm kinh nghiệm, nay đã đi vào thế ổn định.

Pháp luật Malaysia quy định tương đối đầy đủ các chế độ đối với người lao động như mức lương tối thiểu, thời gian làm việc, làm thêm giờ, ngày nghỉ lễ, nghỉ phép, và các quy định về bảo hiểm lao động (các chế độ này áp dụng cho cả người lao động nước ngoài).

Tình hình an ninh, trật tự ở Malaysia tương đối tốt, hiện tượng kỳ thị dân tộc và phân biệt đối xử không nhiều và không cực đoan như ở một số nước khác. Hiện Chính phủ Malaysia đã nâng mức lương cơ bản tối thiểu lên 900 ringgit/tháng (khoảng hơn 6 triệu VND/tháng) từ 1/1/2013.

Tuy nhiên, mặc dù mức lương cơ bản tăng với tỷ lệ khá cao (gần 30%) nhưng giá cả sinh hoạt cũng tăng theo, đồng thời lao động phải khấu trừ tiền thuế việc làm (levy), tiền nhà ở cho nên thu nhập thực tế của người lao động không tăng nhiều như mong đợi, chưa thực sự hấp dẫn đối với lao động Việt Nam.

Số lượng lao động nước ngoài đang làm việc tại Malaysia hiện nay khoảng 2,6 triệu người nên tính cạnh tranh giữa các nước cung cấp lao động khá cao, đồng thời cũng gây ra nhiều vấn đề phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.

Trong số những người nhập cư bất hợp pháp có rất nhiều người là nạn nhân của nạn buôn bán người, lao động cưỡng bức và bị lôi kéo vào các hoạt động tội phạm; một số công ty môi giới làm ăn không trung thực, có hiện tượng lừa đảo.

Vì vậy Chính phủ Malaysia đã, đang và sẽ tiến hành nhiều chiến dịch để thắt chặt hơn việc nhập khẩu và quản lý lao động nước ngoài, ít nhiều đều ảnh hưởng đến người lao động nước ngoài tại Malaysia.

- Xin ông cho biết rõ hơn về các chiến dịch này?

Ông Nguyễn Kim Phương: Năm 2011-2012 Malaysia đã thực hiện Chương trình 6P cho phép lao động nước ngoài bất hợp pháp đăng ký để hợp pháp hóa.

Tiếp theo, từ tháng 9 đến nay Chính quyền sở tại đang đồng thời triển khai 2 chiến dịch, chiến dịch thứ nhất nhằm truy quét và xóa sổ các băng nhóm tội phạm và Chiến dịch thứ hai truy quét người nhập cư và lao động nước ngoài đang làm việc trái phép tại Malaysia.

Người lao động nước ngoài khi bị kiểm tra, nếu không xuất trình được giấy tờ hợp pháp, ngay lập tức sẽ bị bắt giữ và được đưa đến đồn cảnh sát gần nhất để kiểm tra và tạm giữ trong vòng 14 ngày. Sau đó, nếu bị coi là bất hợp pháp sẽ bị tống giam, bị phạt tiền và bị trục xuất.

Theo số liệu cơ quan nhập cư nước sở tại cung cấp từ 1/9 đến 22/11 đã có khoảng 7.500 người nước ngoài bị bắt giữ, trong số đó có 473 người Việt Nam, chủ yếu là những người Việt đi du lịch rồi ở lại làm việc, đi lao động qua con đường bất hợp pháp, hoặc số lao động trước đây đã bỏ hợp đồng trốn ra ngoài, một số là nạn nhận của các đường dây buôn người, mại dâm, ma túy xuyên biên giới.

- Thưa ông trong tình hình đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Ban Quản lý lao động đã có những biện pháp gì để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và người lao động Việt Nam?

Ông Nguyễn Kim Phương: Để ứng phó với tình hình trên Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã triển khai một loạt các biện pháp sau đây.

Đại sứ quán đã sớm thông báo rộng rãi trên website của Sứ quán và tại cổng cơ quan Đại sứ quán để công dân Việt Nam tại Malaysia biết về chiến dịch của bạn.

Ban Quản lý lao động thường xuyên liên hệ với các công ty môi giới và doanh nghiệp và các cơ quan liên quan của Malaysia để kịp thời nắm bắt tình hình và giải quyết khi phát sinh vụ việc.

Cán bộ thuộc bộ phận lãnh sự và Ban Quản lý lao động mở máy điện thoại 24/24 để tiếp nhận yêu cầu và hướng dẫn công dân.

Đối với số công dân Việt Nam bị bắt, Đại sứ quán đã phối hợp với các cơ quan liên quan của bạn để thực hiện công tác bảo hộ công dân, giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật.

Đối với những công dân bất hợp pháp chưa bị bắt có nhu cầu trở về nước, Đại sứ quán đã hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục xuất cảnh và giảm tiền nộp phạt.

Đại sứ quán ta cũng đã phối hợp với các Đại sứ quán các nước để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

- Được biết nhu cầu về lao động nước ngoài của Malaysia ngày càng tăng, nhất là lao động phổ thông. Xin ông đánh giá tiềm năng của thị trường Malaysia và triển vọng làm việc tại Malaysia của lao động Việt Nam?

Ông Nguyễn Kim Phương: Nhu cầu lao động nước ngoài của Malaysia ngày càng tăng do kinh tế Malaysia đang phát triển thuận lợi, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, nhiều dự án đầu tư, xây dựng được mở ra.

Điển hình là khu vực Johor Bahru đang triển khai đại dự án Iskanda, gồm các khu kinh tế, du lịch, thương mại gần biên giới Singapore.

Hai bang phía Đông của Malaysia là Sabah và Sarawak cũng bắt đầu phát triển các ngành công nghiệp do đã có nguồn thủy điện và nhiệt điện dồi dào, rất cần lao động công nghiệp như công nhân xây dựng, thợ hàn...Malaysia cũng có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực cho lĩnh vực trồng và khai thác cọ.

Tuy nhiên, phía bạn chủ trương nhập lao động phổ thông, lao động tay nghề thấp làm việc trong các nhà máy, công trường xây dựng và các đồn điền nông nghiệp là chủ yếu, đồng thời thắt chặt hơn việc kiểm soát nhập cư và quản lý người nước ngoài.

Về phía ta, để giữ được thị trường và để khai thác được tiềm năng này, chúng tôi xin kiến nghị các địa phương và các cơ quan liên quan trong nước như sau.

Có biện pháp xử lý thích đáng các tổ chức, cá nhân trong nước không có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đang tuyển dụng lao động đưa sang làm việc tại Malaysia một cách bất hợp pháp vì đây chính là nhân tố làm rối loạn thị trường và đẩy người lao động thành đối tượng của các chiến dịch truy quét.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp tuyển lao động trong nước tuân thủ các quy định pháp luật, chủ động tìm hiểu và khai thác thị trường, tránh hiện tượng phó thác cho đối tác Malaysia; liên hệ thường xuyên với các đối tác tại Malaysia để nắm bắt tình hình cụ thể và giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh liên quan tới lao động do mình gửi đi; kịp thời báo cáo với Đại sứ quán và Ban Quản lý lao động về các trường hợp đặc biệt khi tính mạng người lao động bị đe dọa hoặc đặc biệt gặp khó khăn để phối hợp với các cơ quan liên quan của Malaysia giải quyết.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục định hướng trước khi đi và công tác quản lý lao động tại địa bàn để hạn chế tối đa các trường hợp bỏ trốn, vi phạm kỷ luật lao động và pháp luật của nước sở tại như uống rượu, cờ bạc, quan hệ nam nữ phi pháp... Khuyến cáo công dân Việt Nam đi du lịch Malaysia không nên nghe theo môi giới lôi kéo, dụ dỗ ở lại lao động vì như vậy là bất hợp pháp và sẽ bị phạt tiền, phạt tù và trục xuất.

Tổ chức đánh giá 10 năm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác lao động năm 2003 để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy định không còn phù hợp, làm cơ sở pháp lý cho việc đưa người lao động sang Malaysia làm việc đạt hiệu quả cao hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục