Tình hình dịch bệnh COVID-19 sáng 3/4: Hơn 105 triệu người khỏi bệnh

Tính đến 8 giờ ngày 3/4, toàn thế giới đã ghi nhận 130.802.165 cac mắc COVID-19 trong đó Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 567.610 ca tử vong trong tổng số 31.314.625 ca nhiễm.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 3/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 130.802.165 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.850.152 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 105.295.247 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 567.610 ca tử vong trong tổng số 31.314.625 ca nhiễm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 2/4 đã yêu cầu người dân Mỹ duy trì cảnh giác trước đại dịch COVID-19, bất chấp chiến dịch tiêm chủng mạnh mẽ đang thúc đẩy tâm lý lạc quan ở nước này.

Với 12.912.379 ca mắc và 328.366 ca tử vong, Brazil là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai. Ấn Độ đứng thứ 3 với 164.141 ca tử vong trong số 12.391.129 bệnh nhân.

Tính theo tỷ lệ dân số, Cộng hòa Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 250 người tử vong, tiếp đến là Hungary với 220 người/100.000 dân và Montenegro với 205 người/100.000 dân.

Theo hãng tin AFP, xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 44,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 962.400 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 788.500 ca tử vong trong hơn 24,9 triệu ca nhiễm.

Bắc Mỹ có hơn 576.000 ca tử vong trong hơn 31,5 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 273.300 ca tử vong trong hơn 18 triệu ca nhiễm.

[COVID-19: Philippines, Kazakhstan, Ukraine ghi nhận thêm kỷ lục buồn]

Khu vực Trung Đông có hơn 114.500 ca tử vong, châu Phi có hơn 113.000 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 997 người.

Tại châu Âu, trong 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 42.308 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Số ca mắc tăng mạnh kể từ khi chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch vào đầu tháng 3.

Trong ngày 30/3, Tổng thống Tayyip Erdogan thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế, bao gồm việc áp đặt trở lại lệnh phong tỏa toàn quốc vào cuối tuần. Hiện tổng số ca mắc ở Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt 3,4 triệu ca, trong đó có 31.892 ca tử vong. 

Anh ghi nhận thêm 3.402 ca mắc mới trong ngày 2/4, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 4.353.668 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 52 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 126.816 ca.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 sáng 3/4: Hơn 105 triệu người khỏi bệnh ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Athens, Hy Lạp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bỉ sẽ tăng cường kiểm soát việc tuân thủ các quy tắc kiểm tra và cách ly của khách du lịch trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo đó, từ tuần tới, chính quyền địa phương ở Bỉ sẽ có thể liên hệ với một số người dân để tìm hiểu xem họ có đang bị cách ly hay cần sự giúp đỡ không. Dữ liệu có thể được chuyển cho cảnh sát nếu cần thiết.

Đây là nội dung của thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa chính phủ liên bang và các thực thể liên bang nhằm mục đích chia sẻ dữ liệu có trong biểu mẫu định vị hành khách (PLF) mà những người đến Bỉ từ nước ngoài phải điền trước khi lên máy bay. Hiện Bỉ đã ghi nhận 887.920 ca mắc, trong đó có 23.045 ca tử vong do COVID-19.

Tại châu Á, ngày 3/4, Hàn Quốc thông báo thêm 543 ca mắc và 3 ca tử vong do COVID-19. Hiện tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia Đông Bắc Á này lần lượt là 104.736 ca và 1.740 ca.

Liên quan đến vaccine và công tác tiêm chủng, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 2/4 cho biết nước này đã cung cấp ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19 cho tổng cộng 101.804.762 người - tương đương hơn 30% dân số Mỹ, đạt mục tiêu ban đầu mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đặt ra.

Theo số liệu của CDC Mỹ, gần 58 triệu người trong tổng số hơn 100 triệu người nói trên đã được tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19, theo chế độ 1 liều duy nhất hoặc 2 liều. Hơn 50% trong số đó là những người từ 65 tuổi trở lên.

CDC Mỹ cũng thông báo những người đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 có thể khởi động lại hoạt động di chuyển nếu thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Theo cơ quan này, trong phạm vi lãnh thổ Mỹ, những người đã được tiêm vaccine sẽ không phải cách ly hoặc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 sau chuyến đi.

Tuy nhiên, du khách quốc tế đến Mỹ sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay, phải xét nghiệm sau khi nhập cảnh và phải cách ly nếu các cơ quan chức năng địa phương ở nước này yêu cầu.

Trong khi đó, hãng thông tấn quốc gia ANP của Hà Lan dẫn thông tin từ Bộ Y tế nước này cho biết Amsterdam ngày 2/4 đã quyết định tạm dừng sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca cho những người dưới 60 tuổi do một người phụ nữ tử vong sau khi được tiêm vaccine.

Theo ANP, kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 10.000 người Hà Lan được chỉ định sẽ bị hủy bỏ do quyết định trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục