Tình trạng phụ thuộc vào lao động nước ngoài của Singapore

Tỷ lệ lao động nước ngoài/lao động địa phương ở Đảo quốc sư tử cao tới 7/1 trong ngành xây dựng và chế biến; 3,5/1 trong ngành hàng hải và 0,6/1 trong ngành dịch vụ.
Tình trạng phụ thuộc vào lao động nước ngoài của Singapore ảnh 1Singapore phụ thuộc nặng nề vào lao động nước ngoài. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bài viết trên báo The Straits Times mới đây nhận định rằng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại các khu nhà ở của người lao động nước ngoài tại Singapore là một lời nhắc nhở sâu sắc về việc nước này phụ thuộc nặng nề vào lao động nước ngoài.

Tỷ lệ lao động nước ngoài/lao động địa phương ở Đảo quốc sư tử cao tới 7/1 trong ngành xây dựng và chế biến; 3,5/1 trong ngành hàng hải và 0,6/1 trong ngành dịch vụ.

Để thay đổi tình trạng này, trước hết Singapore cần xem xét lại những kết quả của chính sách kinh tế-xã hội và các chính sách khác.

[Kinh tế Singapore năm 2020 sẽ rơi vào suy thoái do dịch COVID-19]

Với nền kinh tế, mục tiêu có thể là tăng trưởng, được đánh giá bằng tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Về mặt tiền tệ, GDP là sự chênh lệch giữa giá trị đầu ra và giá trị đầu vào. Sự chênh lệch đó tạo ra lợi nhuận, lương… và chính phủ nhận được một phần trong những khoản này thông qua thuế.

Nhiều doanh nghiệp ở Singapore, thuộc cả lĩnh vực chế tạo sản xuất và dịch vụ, đều do người nước ngoài sở hữu, do vậy lợi nhuận đổ vào túi người nước ngoài. Về tiền lương, người lao động nước ngoài được hưởng một phần.

Một phần đáng kể trong xây dựng, bởi lĩnh vực cần nhiều lao động nước ngoài, được dành cho việc cải tạo đất và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nhà máy sản xuất do người nước ngoài làm chủ. Vậy lợi nhuận ròng dành cho Singapore là gì?

Đối với các hoạt động phi thương mại, việc xây dựng vườn hoa, công viên và cảnh quan hai bên đường phố giúp gia tăng chất lượng sống.

Nhưng Singapore đã không đưa những công việc này vào mức độ ưu tiên cao nhất. Lợi nhuận biên của chúng là rất thấp.

Thứ hai, Singapore cần tập trung vào nguyên tắc lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế. Điều cần làm rõ là nước này không có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất cần nhiều lao động. Tuy nhiên, với việc tiếp nhận hơn 920.000 lao động nước ngoài, Singapore đã rơi vào tình trạng sản xuất cần nhiều lao động.

Để tránh làm méo mó các yếu tố cơ bản của nền kinh tế, tất cả các hoạt động cần phải được đánh giá bằng tổng chi phí cho lao động nước ngoài. Tổng chi phí đó là mức lương mà người Singapore có thể nhận được từ công việc tương tự.

Kết hợp với việc tập trung vào lợi nhuận ròng cho Singapore, thay vì đóng góp vào GDP, nước này nên xóa bỏ một số ngành và giảm bớt một số lĩnh vực, chẳng hạn như nhân viên bảo vệ an ninh.

Dựa vào công nghệ, Singapore có thể duy trì sự an toàn và an ninh mà cần ít hơn nhân viên bảo vệ trên thực địa.

Hãy xem xét ngành xây dựng. Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore tương tự nhau về quy mô, dân số và cấu trúc kinh tế. Tuy nhiên, ngành xây dựng Hong Kong có chưa đến 1% lao động nước ngoài.

Cho dù vậy, các nhà xây dựng của họ đã xây dựng nên một thành phố hấp dẫn không kém Singapore.

Với việc tính toàn bộ chi phí phải trả cho lao động nước ngoài, ngành xây dựng sẽ cần thu nhỏ lại.

Một lý do giải thích cho điều đó là việc giảm nhu cầu đối với xây dựng khi Singapore xóa bỏ và giảm bớt một số ngành, đồng thời hiệu chuẩn lại những kết quả trong những lĩnh vực khác.

Trong việc xây dựng nhà ở và vì mục đích thương mại, với việc tính toàn bộ chi phí trả cho lao động nước ngoài, phí xây dựng có thể tăng mạnh.

Công ty tư vấn thiết kế, kỹ thuật và quản lý toàn cầu Arcadis có trụ sở tại Hà Lan ước tính, chi phí xây dựng ở Hong Kong cao hơn gấp hai đến ba lần so với ở Singapore.

Tuy nhiên, trái ngược với đánh giá theo trực giác, giá nhà ở và thương mại không tăng đến mức tương tự. Lý do là nguồn cung nhà ở và thương mại là yếu tố tác động đến phí xây dựng cũng như phí đất đai. Khi phí xây dựng tăng, giá đất sẽ giảm.

Hơn nữa, chi phí phải trả cho lao động nước ngoài cao sẽ khuyến khích các nhà xây dựng trong nước thuê và đào tạo lao động địa phương và để người Singapore tham gia ngành này.

Ở Hong Kong, một thợ nề kiếm được 238 SGD/ngày (khoảng 168 USD/ngày), hay 4.600 SGD/tháng (khoảng 3.256 USD/tháng) nếu người đó làm việc 20 ngày/tháng. Mức lương đó cao hơn gấp đôi so với mức lương được đề xuất ở Singapore cho người quét dọn và cao hơn 50% mức lương hiện nay của quản đốc xây dựng.

Dịch COVID-19 đã cho thấy Singapore cần có sự đánh giá cơ bản những kết quả của hoạt động kinh tế và cũng như toàn bộ chi phí phải trả cho lao động nước ngoài, từ đó đưa số lượng người lao động nước ngoài về mức cân bằng hợp lý, và thậm chí tốt hơn, có thể tạo công ăn việc làm mới cho người dân Singapore./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục