Tình trạng tảo hôn ở tỉnh Lào Cai: Vẫn còn rất nan giải

Theo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, trong 9 tháng năm 2023, tỉnh có 87 người chưa đủ tuổi kết hôn sống chung với nhau hoặc sống chung với người khác như vợ chồng.
Tình trạng tảo hôn ở tỉnh Lào Cai: Vẫn còn rất nan giải ảnh 1Hình ảnh những "bà mẹ trẻ" không hiếm gặp tại những vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Tình trạng tảo hôn, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững.

Tảo hôn vẫn còn xảy ra ở các huyện, thị xã dẫn đến mục tiêu giảm 30% số phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu so với năm 2022 không đạt chỉ tiêu Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai giao.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, trong 9 tháng năm 2023, tỉnh có 87 người chưa đủ tuổi kết hôn sống chung với nhau hoặc sống chung với người khác như vợ chồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022.

[Vấn nạn tảo hôn: Điều hối tiếc của những đứa trẻ làm bố mẹ quá sớm]

Trong số đó, tảo hôn khi 1 người chưa đủ tuổi kết hôn là 55 người; tảo hôn khi cả 2 người chưa đủ tuổi kết hôn là 32 người; người dân tộc Mông chiếm chủ yếu, chiếm trên 95%. Cá biệt, tại thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, một bé gái 11 tuổi (sinh năm 2012) bị kéo về làm vợ. Cơ quan Công an huyện Bảo Thắng đã có quyết định khởi tố vụ án. Bé gái đã quay về gia đình và đi học trở lại.

Các địa phương đã tuyên truyền, vận động ngăn chặn được 198 người từ bỏ ý định về chung sống với nhau như vợ chồng khi chưa đủ tuổi theo quy định.

Ủy ban Nhân dân cấp xã đã xử phạt vi phạm hành chính 20 trường hợp tảo hôn với số tiền là 36,5 triệu đồng.

Trong 9 tháng của năm 2023, Lào Cai có 506 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu, tập trung ở các huyện Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát... Năm 2022, tỉnh có 615 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu.

Như vậy, đến hết tháng 9/2023, mục tiêu giảm 30% số phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu so với năm 2022 không đạt chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai giao.

Điểm sáng trong công tác xóa bỏ hủ tục lạc hậu trên địa bàn tỉnh là từ năm 2021 đến nay đã không xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Tình trạng tảo hôn, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con… vẫn xảy ra, chủ yếu ở địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; để lại nhiều hệ lụy cho cả gia đình và xã hội, là trở lực ngăn cản nâng cao chất lượng dân số của địa phương.

Để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từng bước giảm bền vững, tiến tới xóa bỏ các vấn nạn, hủ tục trên, Lào Cai xác định tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; triển khai tốt các chính sách dân tộc, trong đó có Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025.”

Các địa phương tăng cường đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, thực hiện đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định và bảo đảm thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em… vào quy ước thôn bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa.

Các cấp, ngành tập trung tuyên truyền, nhất là tại các thôn, khu dân cư có tỷ lệ tảo hôn còn cao; tổ chức tập huấn cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, tư vấn, đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào phổ biến những tác hại của tảo hôn đối với sức khỏe, phát triển thể chất của vị thành niên; qua đó, vận động phụ huynh thường xuyên quan tâm, quản lý, giáo dục con em, nhất là quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em mình trước khi bước vào độ tuổi vị thành niên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục