Tổ chức, cá nhân chung sức đồng lòng phòng, chống dịch COVID-19

Trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn trong phòng chống dịch, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều hoạt động quyên góp, hỗ trợ, ủng hộ các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Tổ chức, cá nhân chung sức đồng lòng phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)

Trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn trong phòng chống dịch, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều hoạt động quyên góp, hỗ trợ, ủng hộ các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 3/11, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu đã trao các thiết bị, vật tư y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Số thiết bị y tế này trị giá hơn 300 triệu đồng gồm: 6 máy tạo oxy, 400 máy đo nhịp tim (SP02), 400 bộ thuốc điều trị F0, 400 chai nước khử khuẩn, 5.000 khẩu trang N95, 12.500 khẩu trang y tế, 700 bộ đồ bảo hộ.

Theo Phó Trưởng ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, Thượng tọa Thích Giác Nghi, với tinh thần Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, thời gian qua, hưởng ứng lời kêu gọi của các cấp, các ngành về việc chung tay phòng, chống dịch COVID-19, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu vận động, kêu gọi các tăng, ni, phật tử trong và ngoài tỉnh đóng góp cho các hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương được hơn 6 tỷ đồng.

[TP. HCM tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 từ Lào]

Thượng tọa Thích Giác Nghi cho biết thêm, việc hỗ trợ thiết bị y tế nhằm chia sẻ, tiếp sức cùng chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây là tấm lòng và trách nhiệm của tăng, ni, phật tử đối với quê hương, cùng chính quyền địa phương chung tay phòng, chống dịch.

Thời gian tới, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ thêm nhiều máy tạo oxy để cứu chữa bệnh nhân COVID-19.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Văn Hòa ghi nhận, biểu dương nghĩa cử cao đẹp, trân trọng cảm ơn sự chung tay góp sức, đồng hành tham gia hỗ trợ, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu.

Việc làm này thể hiện tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, cùng cả nước và địa phương chống dịch. Ông Nguyễn Văn Hòa bày tỏ mong muốn, thời gian tới, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để đoàn kết, tập hợp sức mạnh của các tăng, ni, phật tử, chung sức cùng tỉnh nhà đẩy lùi dịch COVID-19.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, tính đến ngày 3/11, toàn tỉnh có 4.000 ca mắc COVID-19; trong đó, thị xã Giá Rai và thành phố Bạc Liêu, nơi có nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp đang có tình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 tăng cao.

Riêng thị xã Giá Rai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủy sản Tấn Khởi và Công ty Châu Bá Thảo có số công nhận mắc COVID-19 chiếm tới 60% người mắc của tỉnh Bạc Liêu, với khoảng 800 ca F0.

Số ca nhiễm tăng cao đã tạo áp lực rất lớn cho ngành y tế địa phương. Nhu cầu thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch tăng cao. Do đó, Bạc Liêu rất cần sự chung tay, góp sức, hỗ trợ từ cộng đồng để góp phần từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

Đắk Lắk: Chung sức đồng lòng phòng, chống dịch COVID-19

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ truyền tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến các đối tượng chính sách, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều hoạt động thiện nguyện, đảm bảo an sinh xã hội, chung sức đồng lòng phòng, chống dịch COVID-19.

Tổ chức, cá nhân chung sức đồng lòng phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 2Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Đắk Lắk tặng 5 triệu đồng cho buôn Ciêt (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã ủng hộ 555 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; trong đó, ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh 50 triệu đồng, hỗ trợ các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch 180 triệu đồng, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch tại tỉnh Đắk Lắk cùng bà con nhân dân vùng phong tỏa 125 triệu đồng.

Chi nhánh đã tổ chức gặp mặt, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, buôn kết nghĩa vào dịp lễ, Tết; ủng hộ chương trình "Sóng và máy tính cho em"; nhận hỗ trợ hàng tháng cho 155 trẻ em trên địa bàn tỉnh... Đơn vị đã ủng hộ xây cầu kênh Mũi Tàu (xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) với số tiền 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Minh Hướng, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị linh hoạt ứng phó với dịch COVID-19, vừa nỗ lực phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh hoạt động cho vay tín dụng chính sách.

Đối với địa bàn vùng xanh và các vùng đã trở lại trạng thái bình thường mới, đơn vị tích cực phối hợp với chính quyền, Hội đoàn thể nhận ủy thác giải ngân các chương trình tín dụng nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các đối tượng chính sách; chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động giao dịch tại mỗi xã nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ ngân hàng và người dân đến giao dịch.

Trong công tác phòng, chống dịch, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã phát động cán bộ, nhân viên đóng góp tối thiểu 1 ngày lương để sẻ chia khó khăn với lực lượng tuyến đầu, chốt kiểm soát dịch và người dân vùng phong tỏa.

Đặc biệt, đơn vị chú trọng hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số bị phong tỏa. Hiện nay, đơn vị đã nhận được 19 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để tạo điều kiện cho người dân từ các tỉnh, thành phía Nam trở về được vay vốn sản xuất, ổn định cuộc sống tại chính quê hương.

Trong hai ngày 2- 3/11, Công đoàn Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã thăm, tặng nhu yếu phẩm với tổng trị giá 65 triệu đồng cho một số hộ khó khăn ở buôn Ko Siêr (phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột), buôn Tơng Ju (xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột), buôn Ciêt (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin)… và một số buôn đang bị phong tỏa của thị xã Buôn Hồ, các huyện Krông Ana, Krông Búk, Krông Pắk, Ea H’Leo, Cư M’Gar.

Buôn Ko Siêr hiện đã ghi nhận 127 trường hợp F0, 193 trường hợp F1. Thành phố Buôn Ma Thuột đã phong tỏa buôn với 1.500 hộ, 6.500 khẩu từ ngày 22/10. Đến ngày 3/11, buôn còn 5 khu dân cư bị phong tỏa với 255 hộ dân.

Ông Bùi Thanh Gấm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Tân Lập cho biết, các tổ chức, cá nhân, đơn vị đã hỗ trợ 2.000 suất an sinh (trong đó Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk tặng 5 triệu đồng) để phường cân đối, phát 3 ngày/lần cho người dân vùng phong tỏa.

Buôn Ciêt đã có 66 ca mắc COVID-19. Xã phong tỏa buôn từ ngày 20/10 và huy động tổng nguồn lực vừa chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Công đoàn Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã trao tặng 5 triệu đồng cho công tác chống dịch.

Sóc Trăng: Tặng quà tại các khu cách ly y tế và học bổng cho học sinh nghèo

Ngày 3/11, Đại tá Trịnh Kim Khâm, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng và Đại tá Nguyễn Trìu Mến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng Đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà và động viên các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 ở khu cách ly tập trung tại trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ghi nhận và biểu dương cán bộ, chiến sỹ, đội ngũ y, bác sỹ đang túc trực tại đây để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời thăm hỏi sức khỏe, điều kiện làm việc, sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ, người dân thực hiện nghĩa vụ cách ly y tế... 

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh mong muốn cán bộ, chiến sỹ và nhân viên y tế tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; không chủ quan, lơ là, bảo đảm an toàn trong thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung; làm tốt công tác theo dõi sức khỏe công dân cách ly theo đúng quy định; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cũng trong ngày 3/11, Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) - Chi nhánh Sóc Trăng tổ chức trao học bổng “Vì em hiếu học” năm học 2021 cho các học sinh vượt khó hiếu học tiêu biểu trên địa bàn huyện Long Phú.

Đợt này, huyện Long Phú có 72 suất học bổng được trao cho các em vượt khó hiếu học tiêu biểu thuộc cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở trên địa bàn; mỗi suất là một chiếc xe đạp, trị giá 1,2 triệu đồng.

Theo lãnh đạo hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng, Chương trình học bổng “Vì em hiếu học” là chương trình được sự thống nhất phối hợp giữa Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian triển khai thực hiện 10 năm (2014-2025) với mục đích là xã hội hóa thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục, khuyến học, khuyến tài, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Trong 7 năm triển khai, Sóc Trăng đã tiếp nhận trên 3.800 suất học bổng với tổng số tiền hơn 3,9 tỷ đồng.

Năm 2021, Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng đã tiếp nhận 450 suất là 450 chiếc xe đạp để trao cho học sinh ở 25 xã vùng khó khăn trong tỉnh, mỗi xã được phân bổ 18 chiếc xe đạp. Tổng giá trị học bổng năm 2021 là 540 triệu đồng.

Đây là những phần quà giúp hiện thực hóa ước mơ nhỏ của các học sinh hiếu học, đồng thời khích lệ tinh thần vượt khó học tốt, phát huy tính tự học, tự rèn cho các em vùng khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục