Tổ chức Hợp tác Hồi giáo họp khẩn về hành vi báng bổ kinh Koran

OIC nhất trí tổ chức họp khẩn trong bối cảnh gần đây những người bài Hồi giáo ở Thụy Điển và Đan Mạch đã liên tiếp có hành vi báng bổ kinh Koran, trong đó có việc đốt các bản sao của kinh Koran.
Tổ chức Hợp tác Hồi giáo họp khẩn về hành vi báng bổ kinh Koran ảnh 1Người dân Iraq biểu tình phản đối hành động đốt Kinh Koran ở thủ đô Baghdad, ngày 30/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã nhất trí tổ chức một cuộc họp khẩn cấp bộ trưởng theo hình thức trực tuyến vào ngày 31/7 tới để thảo luận hành vi báng bổ kinh Koran liên tiếp xảy ra gần đây ở Thụy Điển và Đan Mạch.

Trong tuyên bố ngày 26/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết cuộc họp của OIC được tổ chức theo đề xuất chung của Ngoại trưởng nước này Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp Iraq Fuad Hussein.

Ông cho biết Ngoại trưởng Iran Amir-Abdollahian cũng đã thảo luận việc tổ chức cuộc họp khẩn với Tổng thư ký OIC Hissein Brahim Taha.

[Thổ Nhĩ Kỳ lên án hành động báng bổ kinh Koran tại Copenhagen]

OIC nhất trí tổ chức họp khẩn trong bối cảnh gần đây những người theo quan điểm bài Hồi giáo ở Thụy Điển và Đan Mạch đã liên tiếp thực hiện các hành vi báng bổ kinh Koran, trong đó có việc đốt các bản sao của kinh Koran.

Một loạt các quốc gia Hồi giáo, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, Ai Cập, Algeria, Bahrain…đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành vi trên. Trong khi đó, Đan Mạch và Thụy Điển đã ra tuyên bố lấy làm tiếc về việc đốt kinh Koran thời gian qua song cho biết không thể ngăn cản việc này do các quy định của luật pháp.

Cùng ngày, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo và liên văn hóa nhằm chống lại các phát ngôn thù hận.

Bộ Ngoại giao Iraq đã ra tuyên bố hoan nghênh động thái trên. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iraq nêu rõ: “Xúc phạm và khinh thường tín ngưỡng và tôn giáo có thể dẫn đến sự phân cực giữa các xã hội và gây ra những hành động cực đoan."

Các hành vi này thường dẫn tới sự giận giữ và xung đột, biến sự khác biệt về quan niệm thành hận thù và bạo lực. Do đó, cần chống lại sự thù hận dưới mọi hình thức và tất cả các nước cần tăng cường giải quyết tình trạng này phù hợp với luật nhân quyền quốc tế.

Cũng trong ngày 26/7, Ngoại trưởng Iraq Hussein cũng đã nhận cuộc gọi từ người đồng cấp Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen, trong đó hai bên đã lên án hành vi báng bổ kinh Koran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục