Ngày 27/5, tại Phú Thọ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề "Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em," nhằm đảm bảo các quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ, được sống an toàn, lành mạnh được tôn trọng và bảo đảm thực hiện theo quy định của Luật trẻ em và pháp luật về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là an toàn cho trẻ em trong thế giới công nghệ số.
Phát biểu chỉ đạo chương trình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương các cấp các ngành, các địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước đã có nhiều chương trình việc làm tốt dành cho trẻ em Việt Nam.
Các cơ quan thông tấn, báo chí trong thời gian qua đã phát hiện, kịp thời đưa tin, phản ánh những tấm gương tốt vì trẻ em, đồng thời tổ chức nhiều chương trình kết nối tấm lòng nhân ái vì trẻ em gây xúc động lòng người nhân lên những việc làm thiện nguyện, kết nối tình thương yêu sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng dành cho trẻ em, góp phần vun đắp, phát huy truyền thống nhân văn tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc ta. Và các hoạt động này cần tiếp tục nhân rộng nhiều hơn nữa trong thời gian tới...
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành đoàn thể, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn, chỉ đạo sát sao để Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật về trẻ em được thực thi hiệu quả; nỗ lực tổ chức các hoạt động phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em; cùng nhau hành động lan tỏa những việc làm tốt vì trẻ em bằng chính trái tim yêu thương của mình. Không chỉ phát động, hành động trong Tháng hành động vì trẻ em mà cần trở thành những hành động thường xuyên mỗi ngày, mọi lúc, mọi nơi với khẩu hiệu hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em...
Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ trẻ em, vì lợi ích tốt nhất của các em, công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho các thành viên trong gia đình, giáo viên, người trực tiếp làm việc với trẻ và ngay cả đối với chính các em là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, phải thực thi tốt hơn nữa các quy định của pháp luật về trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; thực hiện đầy đủ, đúng quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại; chủ động thông tin, tố cáo những vụ việc, hành vi vi phạm quyền trẻ em với cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em.
Các cơ quan chức năng phải kịp thời xác minh, báo cáo những vấn đề, vụ việc nổi cộm, phức tạp để các tổ chức, gia đình, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết theo quy định của Luật trẻ em và các văn bản có liên quan.
Cần hành động thiết thực, mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa để mọi trẻ em được bảo vệ, được chăm sóc, nuôi dưỡng và được hưởng đầy đủ các quyền của mình. Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em" được triển khai cùng với mong muốn sẽ thực hiện tốt hơn các quy định của Luật trẻ em, đưa tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị định số 80 “về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường” và Chỉ thị số 18 “về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” vào cuộc sống.
Tại lễ phát động, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã dành tặng những suất học bổng và quà tặng cho 60 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh Phú Thọ, nhằm giúp đỡ, động viên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tiếp tục vươn lên trong học tập và cuộc sống. Các đại biểu cũng đến thăm và tặng quà cho Làng trẻ em SOS Việt Trì, Phú Thọ.
Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2018, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan và các địa phương tổ chức các hoạt động phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em; tổ chức diễn đàn trẻ em các cấp; các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em; chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, tặng quà, cấp học bổng, hỗ trợ phẫu thuật các dị tật, các bệnh hiểm nghèo ở trẻ em, nhất là cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Trong đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức các hoạt động trọng tâm hỗ trợ cho gần 5.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên toàn quốc với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 truyền đi các thông điệp: Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em; Mùa hè không còn trẻ em đuối nước; Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tố cáo mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; Công nghệ số - thông tin và tri thức lành mạnh, an toàn cho trẻ em phát triển; Sử dụng mạng xã hội vì cuộc sống an toàn, lành mạnh của trẻ em
Trong xã hội hiện đại, môi trường sống mang lại cho trẻ em rất nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức, rủi ro. Trẻ em cần một môi trường sống an toàn, cần được bảo vệ ở mọi nơi, mọi lúc để giảm thiểu nguy cơ bị xâm hại, bị tai nạn thương tích. Trẻ em cần một môi trường sống lành mạnh để được phát triển toàn diện. Đặc biệt, trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 và trong thế giới số, trẻ em có rất nhiều cơ hội được khai thác, tiếp nhận nguồn thông tin và tri thức vô tận nhưng cũng gặp vô vàn nguy cơ bị tổn hại do thông tin không an toàn, lành mạnh và nhiều nguy cơ bị bóc lột, xâm hại, đặc biệt nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng./.