Tổ chức Y tế Thế giới trước sức ép cải cách nhằm đối phó dịch bệnh

Khi làn sóng của đại dịch tràn qua Ấn Độ và đe dọa châu Phi, người ta đang cố gắng tìm câu trả lời: WHO thiếu hiệu quả ở đâu? Tại sao thông tin không được lưu hành tốt hơn giữa các nước thành viên?
Tổ chức Y tế Thế giới trước sức ép cải cách nhằm đối phó dịch bệnh ảnh 1Cuộc họp trực tuyến của WHO ngày 24/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 74 kéo dài một tuần (từ ngày 24/5-1/6) đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến tại trụ sở chính ở Geneva, Thụy Sỹ với chủ đề trọng tâm là cải cách Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thuộc Liên hợp quốc, nhằm tăng cường khả năng ứng phó với dịch bệnh toàn cầu trong tương lai.

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đang lún sâu vào đại dịch COVID-19, với ít nhất hơn 300.000 người thiệt mạng và là quốc gia đứng thứ ba trên thế giới về số ca tử vong.

Khi làn sóng thứ ba của đại dịch tràn qua Ấn Độ và đe dọa châu Phi, Đại hội đồng cố gắng tìm câu trả lời cho những câu hỏi cơ bản: Tổ chức thiếu hiệu quả ở đâu? Tại sao thông tin không được lưu hành tốt hơn giữa các quốc gia thành viên của WHO?

Không đủ tài chính

Antoine Flahault, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu tại Đại học Geneva, cho rằng: "WHO thiếu phương tiện và thẩm quyền để tiến hành nhiệm vụ thanh tra ở bất cứ nơi nào họ thấy phù hợp mà không có sự cho phép trước."

Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, cho rằng một lĩnh vực khác cần cải cách là đầu tư và tiếp cận tài chính. Giám đốc Kasai nói: "Không thể đối phó với các bệnh truyền nhiễm mà không chuẩn bị. Trong đó, đầu tư vào hệ thống y tế trong thời bình là ưu tiên hàng đầu."

[Tổ chức Y tế thế giới có nguy cơ tê liệt vì thiếu ngân sách hoạt động]

Các văn phòng khu vực riêng lẻ của WHO đang rất thiếu tiền để phát triển các chương trình an toàn và sức khỏe.

Trong một số trường hợp nhất định, sự thiếu hụt này đe dọa các chương trình y tế hiện có, ví dụ kế hoạch trị giá hàng tỷ USD đảm bảo tính liên tục của chương trình COVAX và đẩy nhanh việc phân phối công bằng vaccine trên tất cả các quốc gia.

Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO Ahmed Al-Mandhari ước tính WHO chỉ huy động được 24% nguồn tài chính cần thiết và chỉ đảm bảo các cam kết cho 17% khác. Nói cách khác, khoảng 58% tổng kinh phí vẫn còn thiếu.

Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 74 tập trung vào các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó WHO hướng đến việc cung cấp sự hỗ trợ hiệu quả hơn cho các quốc gia và các mục tiêu sức khỏe toàn cầu: thêm 1 tỷ người hưởng lợi từ bao phủ y tế toàn dân, thêm 1 tỷ người được bảo vệ từ các tình huống y tế khẩn cấp, và thêm 1 tỷ người sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ chế COVAX cần thêm hàng trăm triệu liều vaccine COVID-19 nữa để hỗ trợ các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đề xuất kế hoạch chấm dứt đại dịch COVID-19 trị giá 50 tỷ USD, với mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho ít nhất 40% dân số vào cuối năm 2021 và tiêm phòng cho 60% còn lại vào nửa đầu năm 2022.

Tầm quan trọng của các văn phòng khu vực

Một trong những phương hướng cải cách có thể là cải thiện việc trao đổi thông tin giữa các văn phòng khu vực và địa phương và trụ sở chính ở Geneva.

Các văn phòng khu vực, nơi chuyển tiếp thông tin giữa hiện trường và trụ sở, là một "bánh răng" cần thiết trong "bánh xe" để các tổ chức của WHO hoạt động trơn tru.

Các văn phòng cho phép thu thập thông tin từ các nguồn đáng tin cậy. Họ cũng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và vật chất cho các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Những văn phòng này chịu trách nhiệm chuẩn bị cho các quốc gia đối phó với đại dịch trong tương lai, đào tạo nhân viên tại chỗ và thiết lập hậu cần cho việc tiêm chủng.

Các văn phòng này - tổng cộng có sáu văn phòng - thực hiện các chính sách và khuyến nghị của WHO.

Kinh nghiệm cho thấy việc chia sẻ thông tin giữa các văn phòng và trụ sở chính có thể phát huy tác dụng. Nhưng trên thực tế, đại dịch đã cho thấy những thất bại liên quan đến việc chia sẻ thông tin và thực hiện các khuyến nghị của WHO.

Ủy ban độc lập về Chuẩn bị và Ứng phó với Đại dịch do WHO thành lập nhận xét rằng mức độ sẵn sàng của các nước thành viên WHO để đối phó với đại dịch và việc chia sẻ thông tin ở tất cả các cấp của tổ chức cần phải được cải thiện.

Theo thỏa thuận, được ký kết tại Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 74 ở Geneva, Thụy Sỹ sẽ cung cấp cho WHO Phòng thí nghiệm Kiểm soát Sinh học Spiez như một kho lưu trữ virus SARS-CoV-2 hoặc các mầm bệnh khác có khả năng gây ra dịch hoặc đại dịch.

Cơ sở này sẽ đóng vai trò là trung tâm tiếp nhận, giải trình tự, lưu trữ và chuẩn bị an toàn các vật liệu sinh học để phân phối cho các phòng thí nghiệm khác, nhằm thông báo các đánh giá rủi ro và duy trì sự chuẩn bị toàn cầu nhằm chống lại những mầm bệnh này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Thụy Sỹ Alain Berset và Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus đã ký biên bản ghi nhớ bên lề của Kỳ họp Đại hội đồng ngày 24/5.

Ông Ghebreyesus kêu gọi các nước đóng góp vaccine ngừa COVID-19 cho chương trình COVAX để có đủ vaccine tiêm cho 10% dân số của tất cả các nước trước cuối tháng Chín và đạt 30% dân số của tất cả các nước vào cuối năm nay.

Nhóm chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến cáo mạnh mẽ, đặc biệt là yêu cầu dỡ bỏ ngay lập tức bản quyền sản xuất các vaccine ngừa COVID-19, cũng như cơ chế cử các nhà điều tra của WHO đến thực địa, một khi xuất hiện đại dịch mới, không cần xin phép.

Tại kỳ họp lần này, Việt Nam khẳng định cam kết của chính phủ nhằm tiếp tục huy động toàn thể xã hội, bao gồm cả hệ thống chính trị cũng như hệ thống kỹ thuật và nguồn lực để triển khai các biện pháp ứng phó với đại dịch. Việt Nam đang làm hết sức mình để kiểm soát các ổ dịch trong khi duy trì ổn định kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh y tế quốc gia.

Đoàn Việt Nam tham dự trực tuyến do Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác cùng các cán bộ phái đoàn tham dự từ đầu cầu Geneva, Thụy Sỹ cũng tham dự kỳ họp trực tuyến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục