Tờ rơi “bủa vây” cả phụ huynh và sĩ tử ở điểm thi

Nhiều phụ huynh và thí sinh phát bực vì "đội quân" phát tờ rơi túc trực ở điểm thi, dúi vào tay họ những tờ quảng cáo giống hệt nhau.
Vừa đỗ xịch chiếc xe máy còn lấm lem bụi đường, chưa kịp tháo mũ bảo hiểm, bố con anh Nguyễn Văn Công (Mê Linh, Hà Nội) đã được một cô gái trẻ tiến tới gần. Chẳng nói chẳng rằng, cô gái dúi vào tay hai bố con vài tờ tơi quảng cáo.

“Họ đưa thì nhận chứ chẳng lẽ lại từ chối? Tớ chờ con thi, rảnh thời gian thì đọc lướt qua, xem có gì hay không rồi vứt, chẳng ảnh hưởng gì cả,” anh Công nói với phóng viên Vietnam+ sau khi tiễn con vào phòng thi ở trường Đại học Thủy lợi.

Đã có kinh nghiệm hai năm liền đưa con đi thi, anh Công bảo việc nhận tờ rơi ở các điểm thi là chuyện “thường ngày ở huyện." “Nếu không tin, chú cứ cất máy ảnh, ngồi đây một lúc sẽ ‘được’ cả nắm giấy,” anh tiếp lời.

Quả thật, chỉ độ nửa tiếng sau, anh Công và tôi đã nhận được thêm gần chục tờ rơi đủ loại. Quan sát, phóng viên Vietnam+ thấy nhiều phụ huynh sau khi đọc xong đã dùng để kê lót chỗ ngồi. Một số thì vứt ngay tại vườn cây, tạo nên một khung cảnh đầy rác.

Ngoài ra, để tránh sự ngăn cản, thu gom từ lực lượng chức năng, “đội quân” thu gom thường không tiến gần cổng trường mà lui ra xa các khu vực có đông phụ huynh để phát.

Một số đơn vị tuyển sinh “sáng tạo” hơn trong việc phát rờ rơi bằng cách phát “quyển rơi” là những cuốn sách nhỏ, in ấn cẩn thận. Trong những cuốn sách đó, sẽ có những thông tin hữu ích, song đa phần nội dung là để quảng cáo cho đơn vị phát sách.

Cầm trên tay cuốn “Cẩm nang Tân sinh viên và Hướng nghiệp ngành công nghệ thông tin” dày đến hơn ba chục trang, anh Công bảo, người ta phát sách dày thế này cũng tốt bởi nếu không đọc thì cũng có cái mà… quạt cho đỡ nóng.

Một phụ huynh ở địa điểm thi Đại học Công đoàn cho hay, chị đã “chán đến tận cổ” khi nhận tờ rơi tuyển sinh, chiêu sinh liên tục. “Con tôi còn đang thi chưa xong, mà họ đã quảng cáo vào trường nọ, trường kia. Thật là xui xẻo, họ mong con mình thi trượt để vào trường họ hay sao ấy,” chị chua chát.

Ở trường hợp khác, có phụ huynh đã phải phát cáu bởi đang trò chuyện điện thoại thì mấy cô phát tờ rơi lại “chen ngang.” Trong khi đó, thông tin từ tờ rơi họ đã cầm trên tay đến vài tờ giống nhau y hệt.

“Tôi vừa được phát rơi của một trung tâm dạy nghề, chỉ một lúc sau chính cô phát tời rơi ấy lại quay lại, đưa thêm một tờ y hệt như thế nữa,” một phụ huynh bức xúc.

Phụ huynh đã vậy, còn các sĩ tử cũng chán ngán khi vừa mướt mồ hôi trong phòng thi, thì ra đến cổng trường đã phải nhận tờ rơi.

Lê Văn Thành, một thí sinh tại điểm thi Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho hay, làm bài đã mệt nhoài, em chẳng còn tâm trí đâu mà đọc tờ rơi nữa. Bởi vậy, trên tay em tờ rơi như một “gánh nặng.”

“Nói thật, kể cả có trượt đại học em cũng không vào mấy trường quảng cáo bằng tờ rơi. Em cho rằng, vì họ đào tạo không tốt, thiếu học viên nên mới suốt ngày phải dùng chiêu quảng cáo rẻ tiền như thế,” Thành nói.

Thực tế nhiều năm nay việc phát tờ rơi đã như cơm bữa ở các điểm thi. Ở một góc nào đó, nó đem lại thông tin nhưng phần lớn là đem lại sự phản cảm cho xã hội. Và cho dù lực lượng chức năng có dẹp, thì bằng hình thức này hay hình thức khác, nó vẫn tồn tại.

Chỉ có điều, cùng với ý thức vệ sinh môi trường của một số phụ huynh, thí sinh không cao, những tờ rơi ấy lại sẽ là rác làm bẩn phố phường và làm những người lao công thêm vất vả./.

Kỳ Dương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục