Tọa đàm ở Malaysia sau phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông

​Tối 30/8, buổi tọa đàm quốc tế với chủ đề “Đoàn kết và hòa bình ASEAN sau phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông” đã diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.
Tọa đàm ở Malaysia sau phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông ảnh 1Các học giả phát biểu tại buổi tọa đàm. (Nguồn: PX Kuala Lumpur)

Tối 30/8, buổi tọa đàm quốc tế với chủ đề “Đoàn kết và hòa bình ASEAN sau phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông” đã diễn ra  tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.

Tọa đàm do tổ chức WorldfutureTV phối hợp với Hãng thông tấn quốc gia Malaysia (Bernama), báo The Malaymail và báo The Independent tổ chức, với sự tham dự của các nhà nghiên cứu của Malaysia, Singapore và Việt Nam cùng đông đảo khách mời thuộc các bộ, ban ngành, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ của Malaysia và đại diện một số đại sứ quán nước ngoài tại Malaysia.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Syed Hamid Albar khẳng định Biển Đông có vai trò quan trọng đối với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị và an ninh. Ông hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài và nhấn mạnh các nước ASEAN cần đoàn kết, hợp tác với nhau trong việc giải quyết các vấn đề về Biển Đông.

Tại buổi tọa đàm, các học giả đã thảo luận các vấn đề liên quan đến sự đoàn kết của ASEAN và vai trò của ASEAN trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình sau phán quyết của Tòa Trọng tài. Các học giả hoan nghênh, ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài, kêu gọi các bên tôn trọng, chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Các học giả kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết, có tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông để duy trì hòa bình, ổn định của khu vực. Theo các học giả, các nước ASEAN cần đoàn kết để cho thế giới và Trung Quốc thấy ASEAN có thể giải quyết được vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, đoàn kết sẽ giúp ASEAN thể hiện được đúng vị trí, vai trò trung tâm vốn có của mình trong khu vực. Các bên liên quan cần giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế bao gồm cả phán quyết của Tòa Trọng tài và UNCLOS.

Bên cạnh đó, các học giả khẳng định quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông dựa trên cái gọi là “quyền lịch sử” và “đường 9 đoạn” là không có cơ sở pháp lý, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS, đồng thời lên án việc Trung Quốc tiến hành hàng loạt hoạt động quân sự hóa, bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo, và ngăn cản hoạt động đánh bắt cá, khai thác dầu mỏ, tự do hàng hải trên Biển Đông.

Ngày 12/7 vửa qua, Tòa Trọng tài tại La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông. Theo phán quyết của tòa, Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái gọi là "đường 9 đoạn".

Theo các học giả dự tọa đàm, phán quyết của Tòa Trọng tài đã phủ nhận yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, tuy nhiên, trên thực tế điều này không có nghĩa tranh chấp trên Biển Đông đã được giải quyết sau phán quyết. Vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra đối với vấn đề Biển Đông, đòi hỏi ASEAN cần phải đoàn kết, thống nhất để có thể giải quyết vấn đề này bằng các biện pháp hòa bình.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Albar cho rằng các nước ASEAN cần tận dụng phán quyết của Tòa Trọng tài như một yếu tố có tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng trong giải quyết vấn đề Biển Đông. ASEAN trước hết cần phải có lập trường chung về vấn đề này và nên đưa điều này vào chương trình nghị sự. ASEAN cũng nên coi việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, song song với đó ASEAN cần tìm cách tiếp cận có lợi cho tất cả các bên, ví dụ như sự hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia trong khai thác dầu khí. Theo ông, Trung Quốc sẽ không thể có lập trường hung hăng nếu ASEAN có thể đạt được quan điểm đồng thuận. Ông Albar cũng cho rằng nếu có thể ngồi cùng nhau thảo luận thì không có vấn đề gì là không giải quyết được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục