Bừng tỉnh khi nhìn Thích Quảng Đức tự thiêu

"Tôi bừng tỉnh khi chứng kiến Thích Quảng Đức tự thiêu"

"Tôi hoạt động giữa hai làn đạn trong mê hồn trận chính trị Sài Gòn và luôn bị cả hai phe đối nghịch cảnh giác, nghi ngờ và thử thách”

“Tôi viết ra câu chuyện này vì muốn ghi lại đoạn đường mà bản thân mình đã trải qua, trùng hợp với giai đoạn khó khăn mà cũng kiêu hùng nhất của lịch sử dân tộc trong cuộc đụng đầu với phương Tây và tạo dựng một nước Việt Nam mới.”

Tác giả Nguyễn Hữu Thái - nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn đã chia sẻ như vậy về tập hồi ký “Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình” của mình.

Toàn bộ nội dung cuốn sách là câu chuyện về cách mạng, chiến tranh và hòa bình do một người trong cuộc ghi lại. Bởi vậy, “các nhân vật, sự kiện tôi nêu lên đều là người thật, việc thật,” tác giả bày tỏ.

Chủ đề xuyên suốt của câu chuyện là những thách thức và lựa chọn, diễn ra rất gay go giữa sự sống và cái chết. Nó được cụ thể hóa qua bốn phần chính của cuốn sách: “Bừng tỉnh,” “Chống Mỹ,” “Đổi đời” và “Nhìn lại.”

Tác giả Nguyễn Hữu Thái đã kể lại một cuộc hành trình khá cam go: “Bản thân tôi đã bừng tỉnh do tận mắt chứng kiến hành động tự thiêu đầy quả cảm của Thượng tọa Thích Quảng Đức vào ngày 11/6/1963… Nhà tù Sài Gòn và sự kiện Mỹ đổ quân chiến đấu vào miền Nam năm 1965 đã làm thay đổi hẳn cuộc đời tôi.”

Để từ đó, khi “phải lựa chọn giữa việc du học Mỹ và xuống đường đấu tranh, tôi đã chọn đứng về phía phong trào nhân dân đô thị đấu tranh cho hòa bình và chủ quyền dân tộc,” tác giả Nguyễn Hữu Thái ghi lại. Trong suốt cuộc chiến ấy, cuộc sống của ông chia đều giữa xuống đường, nhà tù và hoạt động giữa hai làn đạn.

“Trên mặt trận đấu tranh đô thị, tôi đã cùng lúc đóng nhiều vai trò khác nhau: Sỹ quan tâm lý chiến Sài Gòn, nhà báo phản chiến, ứng cử viên dân biểu đối lập và cơ sở tình báo giữa lòng địch. Tôi hoạt động giữa hai làn đạn trong mê hồn trận chính trị Sài Gòn và luôn bị cả hai phe đối nghịch cảnh giác, nghi ngờ và thử thách,” tác giả viết trong tập hồi ký.

"Tôi bừng tỉnh khi chứng kiến Thích Quảng Đức tự thiêu" ảnh 1Tác giả Nguyễn Hữu Thái và con trai Nguyễn Hữu Thái Hoà (Ảnh tư liệu gia đình tác giả)

Ông tâm sự: “Cuộc đời của tôi có lẽ cũng không khác mấy với mẫu đời của hàng triệu thanh niên cùng thời. Tuy vậy, tôi vẫn muốn ghi lại để mọi người hiểu được con đường gian khó nào đã đưa một sinh viên bình thường đến với những lý tưởng và mục tiêu cao đẹp của giải phóng dân tộc.”

Nói khác đi, qua hình ảnh của chính mình và những người anh em cùng thế hệ, tác giả muốn nói lên tinh thần đấu tranh của dân tộc Việt Nam để giữ gìn nền độc lập của mình, như nhận xét của một nhà sử học nước ngoài: “Người Việt Nam đã chọn thách thức, trụ lại chiến đấu, chấp nhận hy sinh gian khổ để cuối cùng giành chiến thắng.”

Từ đó, viết cuốn sách ghi lại “Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình,” tác giả “hy vọng trình bày được cho các bạn trẻ những hình ảnh sống động về chiến tranh và cách mạng ở nước ta, gồm những nỗi niềm của cả mấy thế hệ đã trải qua trong máu lửa và nước mắt” (trích lời tựa cuốn hồi ký).

“Tôi nói lại câu chuyện cũ để thúc đẩy các bạn trẻ hôm nay làm những điều mới cho tương lai đất nước,” tác giả Nguyễn Hữu Thái tâm sự trong buổi lễ ra mắt tập hồi ký tối 6/11 tại Hà Nội.

Sách do Nhà xuất bản Lao động phối hợp với Công ty cổ phần sách AlphaBooks phát hành./.

Tác giả Nguyễn Hữu Thái sinh năm 1940 tại Đà Nẵng; được đào tạo học thuật tại Trường Kiến trúc và Luật khoa-Viện Đại học Sài Gòn.
 
Ông nguyên là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn (1963-1964); hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên miền Nam giai đoạn 1960-1975.

Một số tác phẩm đã xuất bản của tác giả Nguyễn Hữu Thái:
- “Hành trang bước vào thiên niên kỷ” (2001), Nhà xuất bản Trẻ.
- “Những vấn đề kiến trúc đương đại Việt Nam” (2002), Nhà xuất bản Đại học Xây dựng.
- “Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30.4.1975” (2013), Nhà xuất bản Lao động.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục