Tôn vinh 57 công trình văn nghệ dân gian xuất sắc năm 2015

57 công trình, nghiên cứu xuất sắc được nhận giải thưởng Văn nghệ dân gian năm 2015, trong đó giải nhất được trao cho công trình “Đặc điểm của thể loại sử thi Chương ở Việt Nam.”
Tôn vinh 57 công trình văn nghệ dân gian xuất sắc năm 2015 ảnh 1Biểu diễn văn nghệ tại hội trại của đồng bào dân tộc Mường. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

57 công trình, nghiên cứu xuất sắc được nhận giải thưởng Văn nghệ dân gian năm 2015 tại Lễ mừng thọ các nghệ nhân cao tuổi, trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam, trao giải thưởng Văn nghệ dân gian năm 2015 do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức ngày 12/12, tại Hà Nội.

Trong số các giải thưởng có 1 giải nhất, 3 giải nhì A, 5 giải nhì B, 16 giải ba A, 20 giải ba B, 11 giải khuyến khích và 1 tặng thưởng.

Giải nhất được trao cho công trình “Đặc điểm của thể loại sử thi Chương ở Việt Nam” của tác giả Phạm Đặng Xuân Hương (Hà Nội).

Chúc mừng các tác giả đạt giải, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh chia sẻ năm 2015, số lượng các công trình dự giải tương đương mọi năm, trong đó có cả các công trình nghiên cứu, sưu tầm, công trình cho các lĩnh vực văn hóa dân gian...

Trong số 70 công trình đủ điều kiện dự giải năm nay có 28 công trình về văn hóa các tộc người thiểu số như Tày Nùng, Thái Tây Bắc, Tày Nghệ An, Mường Hòa Bình và Thanh Hóa, Tà Ôi, Pa Cô..., 7 công trình thuộc thể loại nghiên cứu...

Đáng chú ý là các công trình “Đặc điểm của thể loại sử thi Chương ở Việt Nam” của tác giả trẻ Phạm Đặng Xuân Hương (Hà Nội), “Những phạm trù nghệ thuật dân gian người Việt thời trung đại” của giáo sư-tiến sỹ Kiều Thu Hoạch, “Kiểu chuyện con vật tinh ranh trong truyện dân gian Việt Nam và thế giới” của Đặng Quốc Minh Dương...

Thay mặt Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh hoan nghênh hướng nghiên cứu về những biến đổi của văn hóa trong điều kiện đương đại; mong rằng những năm tới các tác giả tập trung hơn nữa vào văn hóa dân gian thay vì đặt nó vào chung trong nội hàm của văn hóa.

Bên cạnh đó, các tác giả cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc sưu tầm di sản văn hóa dân gian của hàng chục tộc người mà đến nay chúng ta chưa có đầy đủ tư liệu về họ.

Dịp này, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 10 hội viên thuộc lĩnh vực thực hành và truyền dạy hát Đúm tại Hải Phòng, đồng thời tổ chức mừng thọ cho các nghệ nhân 70 và 80 tuổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục