Trang mạng tờ Japan Times đăng bài viết của tác giả Yoichi Funabashi nhận định về khả năng chính quyền Mỹ Joe Biden có thể triển khai hiệu quả những ưu tiên chính sách đối ngoại trong bối cảnh những khó khăn trong nước như hiện nay, đồng thời đề cập cách thức để Biden có thể củng cố các mối quan hệ đồng minh.
Nội dung như sau:
Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết tái can dự vào những vấn đề quốc tế đồng thời coi việc cài đặt lại các mối quan hệ đồng minh của Mỹ là ưu tiên hàng đầu trong nghị trình ngoại giao của Washington.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Biden phê phán kịch liệt chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã thờ ơ với đồng minh và cho rằng điều này đã huy hoại nghiêm trọng đến vị thế, tầm ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế.
Quả thực, ông Trump đã làm suy yếu những quan hệ đồng minh của Mỹ khi coi các nước châu Âu là “kẻ thù” thương mại, nói bóng gió việc rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thúc đẩy việc rút quân Mỹ khỏi Đức.
Chưa hết, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Trump cũng thể hiện sự coi thường giá trị của mối quan hệ đồng minh khi bất ngờ hủy cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc, cho rằng các cuộc tập trận này có thể cản trở một “thỏa thuận” tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Thế nhưng, dù có “trống giong cờ mở” về việc cài đặt lại quan hệ đồng minh, song các nước đồng minh của nước Mỹ vẫn không khỏi lo ngại nguy cơ trọng tâm ngoại giao mà ông Biden sẽ đặt vào mối quan hệ đồng minh có thể chẳng đi đến đâu.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ hiện nay vẫn thê thảm khi số ca lây nhiễm của nước này chiếm 1/4 số ca lây nhiễm trên toàn thế giới. Do đó, nhiệm vụ trước tiên quan trọng nhất mà ông Biden cần làm là tìm mọi cách để đưa Mỹ vượt qua được cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Chính quyền của Tổng thống Biden không thể bỏ qua sức ép của người dân muốn chính quyền mới ưu tiên giải quyết vấn đề trong nước hơn là các vấn đề đối ngoại.
Một vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn đó là khủng hoảng quản trị tại Mỹ. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy tình trạng bất bình đẳng kinh tế và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc gây ra sự phân tầng xã hội như thế nào, theo đó dẫn đến sự xuất hiện những bộ phận dân cư dễ bị tổn thương hơn về vấn đề sức khỏe và khả năng tiếp cận giáo dục.
Đại dịch cũng làm bộc lộ sự chia rẽ chính trị giữa cánh tả và cánh hữu có thể làm tê liệt hệ thống quản trị trong chính quyền Mỹ như thế nào. Chính sự yếu kém về cơ cấu trong hệ thống quản trị của Mỹ là trở lực to lớn nhất đối với chính quyền ông Biden trong thực hiện mục tiêu tái thiết lập quan hệ với các đồng minh.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa. Khoảng cách chia rẽ đảng phái này sẽ khó có thể được thu hẹp trong một sớm một chiều.
Lãnh đạo các nước đồng minh của Mỹ nên xử lý mối quan hệ với Washington như thế nào trong bối cảnh hiện nay? Liệu Mỹ có thể triển khai và hoàn thiện những quyết định chính sách mà họ đã đạt được với các đồng minh hay không? Ngay cả khi các đồng minh đạt được một thỏa thuận nào đó với chính quyền đương nhiệm, thì các nước này luôn lo sợ rằng thỏa thuận có thể bị đảo ngược trong vòng 4 năm ông Biden nắm quyền.
Các đồng minh sẽ buộc phải bị co kéo để thực hiện chính sách “phòng bị nước đôi” với Washington. Đây chính là “cơ hội vàng” để các đối thủ chiến lược của Mỹ gây bất đồng trong các mối quan hệ liên minh của Mỹ trong khi các đồng minh của Mỹ có thể gây rạn nứt trong chính trong chính các mối quan hệ đồng minh của họ với Washington.
Các mối quan hệ liên minh bộc lộ rủi ro “kép” trong quá trình hợp tác và can dự giữa các đồng minh cũng như trong quá trình bất đồng dẫn đến từ bỏ đồng minh. Cả hai rủi ro kép này sẽ vẫn tồn tại. Vì vậy, ngay từ lúc này, các đồng minh của Mỹ cần phải nhận thức thấu đáo hơn về những rủi ro liên quan quá trình quản lý mối quan hệ liên minh vốn có thể được gọi là “rủi ro nước đồng minh."
Rủi ro loại này có thể gia tăng trong dài hạn. Một số cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy một nửa dân số thuộc thế hệ Z (những người sinh vào những năm 2000 trở về sau, hay còn gọi là thế hệ Instagram) và thế hệ những người sinh ra từ năm 1980 đến đầu những năm 2000 (hay còn gọi là thế hệ Millenials) ở Mỹ đều ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Nhiều người trong cả hai thế hệ trên đều không ủng hộ khái niệm về một liên minh quân sự.
Những thay đổi về nhân khẩu học cũng có thể là một yếu tố: Đến năm 2040, người da trắng sẽ là nhóm dân tộc thiểu số (mặc dù là nhóm thiểu số lớn nhất) còn người Tây Ban Nha sẽ trở thành lực lượng chính trị có ảnh hưởng nhất ở Mỹ. Mặc dù không một chủng tộc nào tạo nên nhóm đa số trong toàn thể dân số Mỹ song nền chính trị Mỹ vẫn mang hơi hướng của “nền chính trị bản sắc."
Hệ thống liên minh của Mỹ thời hậu chiến được thiết lập nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của một nước bá quyền có khả năng thách thức Mỹ ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Á. Hệ thống liên minh này tập trung thiết lập các liên minh hàng hải với các quốc đảo ở khu vực ngoại vi Á-Âu như Anh và Nhật Bản. Hệ thống liên minh này đã đặt nền móng cho “nền hòa bình lâu dài” và “thế kỷ nước Mỹ."
Vì vậy, để duy trì nền tảng chính trị trong nước đối với quan điểm mang tính chiến lược trên phạm vi toàn cầu nói trên, nhất là khi phải đối mặt với sức hút của chính trị bản sắc, chính quyền mới của Mỹ cần phải thiết lập được ban lãnh đạo chính trị lớn mạnh.
[Sự bất cân xứng trong mối quan hệ đặc biệt giữa Anh và Mỹ]
Về lâu dài, sự can dự của Mỹ đối với các vấn đề quốc tế có thể sẽ mang tính chọn lọc hơn. Cũng có thể xuất hiện những chính sách điều chỉnh quan hệ theo hướng tốt đẹp hơn và ở nhiều cấp độ khác nhau đối với 37 mối quan hệ đồng minh mà Mỹ hiện đang duy trì.
Các liên minh có thể được chia thành ba cấp độ: cấp cao nhất gồm Anh, Nhật Bản, Canada và Australia; cấp thứ hai gồm các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ ở “tuyến đầu” trước mối đe dọa trực tiếp của Nga hoặc Trung Quốc, gồm Ấn Độ, Việt Nam, Đài Loan, Ba Lan và các nước vùng Baltic; và cấp thứ ba là các liên minh khác.
Trong số 3 cấp quan hệ này, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành những đồng minh chính trị hơn là đồng minh quân sự.
Bên cạnh vai trò là đồng minh hiệp ước với Mỹ, mối quan hệ của Nhật Bản với Anh, Australia, Canada, Pháp và Ấn Độ theo tiệm tiến trạng thái gần như liên minh. Tất cả các quốc gia này đều đã ký Hiệp định Thu nhận và dịch vụ tương hỗ (ACSA), Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) và các hiệp định liên quan đến việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng; tham gia đối thoại “2+2” cấp bộ trưởng về chính sách đối ngoại và quốc phòng.
Việc phát triển và duy trì cán cân quyền lực ở nhiều cấp độ khác nhau và sự ổn định trong quan hệ giữa các đồng minh, các nước gần như đồng minh và các nước cùng chí hướng sẽ đóng vai trò quan trọng sống còn.
Khi các cuộc tranh giành địa chính trị liên quan các quy tắc, chuẩn mực và tiêu chuẩn về quản trị thương mại, đầu tư, công nghệ và dữ liệu ngày càng trở nên gay gắt, thì các đồng minh cần tăng cường hợp tác hơn trong các lĩnh vực này, nhất là hợp tác về năng lực không gian mạng. Động lực cuối cùng thúc đẩy nền chính trị toàn cầu đã chuyển từ sức mạnh hàng hải trong thế kỷ 19 sang sức mạnh hạt nhân trong thế kỷ 20, và giờ đây là sức mạnh không gian mạng trong thế kỷ 21. Các quốc gia đang cạnh tranh để tối đa hóa sức mạnh không gian mạng của mình.
Vì vậy, đã đến lúc Nhật Bản và Mỹ cần chứng tỏ khả năng quản lý mối quan hệ liên minh của mình vượt qua được rủi ro nước đồng minh đề cập ở trên và thúc đẩy sự đổi mới cần thiết cho mối quan hệ liên minh của mình./.