Tổng thống Pháp kêu gọi lãnh đạo thế giới cùng đấu tranh vì hòa bình

Trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Tổng thống Pháp Macron kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới "cùng nhau dựng xây hy vọng hơn là đùa giỡn với nỗi sợ hãi của nhau."
Tổng thống Pháp kêu gọi lãnh đạo thế giới cùng đấu tranh vì hòa bình ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 2 phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (thứ 2 trái) đặt hoa tại lễ kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất ở Compiègne, Pháp, ngày 10/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất ở thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 11/11 đã hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới đoàn kết cùng nhau "đấu tranh vì hòa bình."

Trong bài phát biểu kéo dài 20 phút trước các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tham dự buổi lễ ở Khải Hoàn Môn, Tổng thống Macron đã nhắc lại sự hy sinh của 10 triệu người lính, hàng triệu phụ nữ bị góa chồng và trẻ em bị mồ côi.

Theo ông, bài học của cuộc chiến này không thể trở thành sự "oán giận" lẫn nhau cũng như không thể bị lãng quên. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới "cùng nhau dựng xây hy vọng hơn là đùa giỡn với nỗi sợ hãi của nhau."

Tổng thống Pháp nêu rõ: "Cùng nhau, chúng ta có thể ngăn chặn các mối đe dọa: bóng ma của sự ấm lên toàn cầu cũng như sự tàn phá môi trường, nạn đói nghèo, bệnh tật, sự bất bình đẳng và thiếu tri thức."

Bên cạnh đó, Tổng thống Macron cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo không quên cuộc chiến dù cách đây 100 năm song vết sẹo của nó vẫn còn lưu lại hiện nay.

Khoảng 70 nhà lãnh đạo trên thế giới đã có mặt tại khu vực Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris của Pháp để tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đây là sự kiện tâm điểm của thế giới nhằm tưởng niệm hơn 10 triệu binh lính thiệt mạng trong cuộc chiến tranh thế giới 1914-1918 cũng như kỷ niệm thời khắc Hiệp định đình chiến được ký kết ở Đông Bắc nước Pháp, và có hiệu lực từ 11 giờ 00 (giờ địa phương) ngày 11/11/1918. Khoảng 10.000 cảnh sát đã được huy động để đảm bảo an ninh cho sự kiện này.

Trước khi diễn ra sự kiện, Tổng thống Macron đã dành một tuần tham quan các thị trấn và các khu vực từng là nơi diễn ra các trận chiến ở miền Bắc nước Pháp. Trong chuyến đi này, ông cảnh báo sự nguy hiểm của việc chủ nghĩa dân túy trỗi dậy ở châu Âu, coi đây là mối đe dọa đối với khu vực.

[Các nhà lãnh đạo thế giới dự lễ kỷ niệm kết thúc Thế chiến thứ nhất]

Theo kế hoạch, sau khi tham dự buổi lễ kỷ niệm, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ quay trở lại Điện Elysee tham dự bữa tiệc trưa do Tổng thống Pháp và phu nhân chủ trì.

Chiều cùng ngày, Tổng thống Pháp sẽ chủ trì tổ chức Diễn đàn Hòa bình Paris nhằm tìm kiếm cách tiếp cận đa phương đối với an ninh và quản trị nhằm tránh phạm phải những sai lầm đã dẫn đến cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không tham dự diễn đàn này.

Trước đó, lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất cũng đã diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới trong đó có New Zealand, Australia, Ấn Độ, Hong Kong (Trung Quốc) và Myanmar. Lãnh đạo các nước đã gửi đi thông điệp của hòa bình và niềm hy vọng đối với thế giới trong thế kỷ mới.

Chiến tranh Thế giới thứ nhất, bắt nguồn từ mâu thuẫn lợi ích giữa các đế quốc lớn ở châu Âu, mở đầu ngày 28/7/1914, khi đế quốc Áo-Hungary tuyên chiến với Serbia. Dù trên lý thuyết đây là cuộc cạnh tranh giữa hai khối quân sự kình địch gồm khối liên minh trung tâm Đức- Áo-Hungary và khối Hiệp ước Anh-Pháp-Nga, với các đế quốc lớn như Anh, Đức, Pháp, Đức, Nga, đế chế Áo-Hungary và Ottoman (tiền thân của nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), song trên thực tế, gần 70 nước đã bị lôi kéo vào cuộc chiến dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có Italy năm 1915 và Mỹ năm 1917.

Tổng cộng có tới trên 800 triệu người, tức hơn một nửa dân số thời kỳ đó ở các nước được coi là tham chiến. Từ 20 triệu người được các bên tham chiến huy động lúc chiến tranh bùng nổ, khi xung đột leo thang và lan rộng, con số đã tăng nhiều lần, lên tới 70 triệu người. Đông nhất là Đức, 13 triệu người, tiếp đó là Áo-Hungary 9 triệu, bằng với số quân của Anh (bao gồm cả quân từ các thuộc địa, phần lớn là Ấn Độ).

Cuộc chiến này cũng là lần đầu tiên vũ khí hóa học được sử dụng quy mô lớn khi lực lượng Đức dùng khí chlorine tấn công tại Bỉ năm 1915. Ước tính, cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của hơn 18,6 triệu người và khiến khoảng 60 triệu người bị thương. Số tiền mà các nước tham chiến chi phí cho cuộc chiến lên tới con số 85 tỷ USD. Về quy mô và sự khốc liệt, cuộc chiến này chỉ đứng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục