Tổng thống Putin họp báo: Hé lộ chính sách đối ngoại của Nga

Nhiều nội dung trong cuộc họp báo kéo dài tới 4 giờ 18 phút - gần bằng kỷ lục 4 giờ 40 phút của cuộc họp báo năm 2008 - đã phản ánh quan điểm của Tổng thống Nga Putin đối với thế giới.
Tổng thống Putin họp báo: Hé lộ chính sách đối ngoại của Nga ảnh 1Tổng thống Vladimir Putin trong buổi họp báo cuối năm. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Tân Hoa xã/express.co.uk, trong cuộc họp báo thường niên, sự kiện gần như đã thành thông lệ và thường diễn ra vào thời điểm cuối năm từ 2001, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời hơn 70 câu hỏi về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường và quốc tế.

Nhiều nội dung trong cuộc họp báo kéo dài tới 4 giờ 18 phút - gần bằng kỷ lục 4 giờ 40 phút của cuộc họp báo năm 2008 - đã phản ánh quan điểm của ông đối với thế giới, hay nói rõ hơn là những hướng đi chính sách đối ngoại sắp tới.

Củng cố quan hệ với Trung Quốc

Tổng thống Putin cho biết Nga và Trung Quốc sẽ củng cố quan hệ song phương, đem lại lợi ích cho người dân 2 nước, đồng thời duy trì ổn định toàn cầu.

Ông nhấn mạnh: “Kết nối với Trung Quốc có vai trò quan trọng. Chúng ta sẽ củng cố quan hệ chiến lược đa phương diện, và tôi chắc chắn rằng người dân Nga và Trung Quốc đều sẽ được hưởng lợi. Không còn nghi ngờ về việc hợp tác Nga-Trung là nhân tố quan trọng nhất đối với sự ổn định của thế giới, bởi nó đóng góp cho việc thúc đẩy luật pháp quốc tế và xây dựng một thế giới đa cực."

Ông Putin nhắc lại rằng sau khi Liên bang XôViết sụp đổ năm 1991, đã có ý kiến cho rằng một thế giới đơn cực là điều hoàn toàn khả thi và trật tự này sẽ tiếp tục tồn tại trong một thời gian dài. Tuy nhiên, theo ông thế giới đơn cực này không còn tồn tại, trong khi một thế đa cực đã thành hình.

Trong vài năm trở lại đây, Nga và Trung Quốc đã xây dựng lòng tin ở mức chưa từng có, thể hiện qua sự hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực, chẳng hạn như khám phá không gian, sản xuất máy bay và vận tải.
Nhà lãnh đạo Nga tự tin rằng kim ngạch thương mại song phương Nga-Trung sẽ đạt mức 200 tỷ USD.

Bình thường hóa quan hệ với EU

Tổng thống Putin cho biết Nga muốn bình thường hóa quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh đòn trừng phạt kinh tế đang ảnh hưởng tới cả hai bên.

Ông nói: “Về nguyên tắc, chúng tôi muốn bình thường hóa quan hệ hoàn toàn."

EU áp đặt trừng phạt với Nga vào tháng 7 và tháng 9/2014 sau các cáo buộc cho rằng Nga có liên quan tới các cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Liên minh này đã vài lần gia tăng sức ép. Nga đáp trả bằng cách cấm nhập khẩu một số mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng từ các nước EU.

Ông Putin cho biết ước tính thiệt hại từ các đòn trừng phạt của EU lên tới 50 tỷ euro, đồng thời thừa nhận Nga đã hứng chịu nhiều thiệt hại từ các đòn trừng phạt này. Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin cho biết các đòn trừng phạt vô hình trung cũng giúp một số lĩnh vực kinh tế nội địa của Nga có động lực phát triển, đặc biệt là nông nghiệp.

New START với Mỹ?

Tổng thống Putin cho rằng Nga và Mỹ nên thúc đẩy quan hệ song phương trên nền tảng hợp tác bảo đảm an ninh toàn cầu, và vì vậy hai nước cần phải duy trì Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START).

Ông nói: “Nếu không có New START, sẽ không còn có gì trên thế giới để kiềm chế chạy đua vũ trang."

[Tổng thống Nga khẳng định sẽ duy trì vận chuyển khí đốt qua Ukraine]

Ông cho biết Nga sẵn sàng gia hạn hiệp ước vốn sẽ hết hạn vào năm 2021 song Washington cho tới nay vẫn chưa phản hồi. Putin nhấn mạnh: “Nga quan tâm tới việc thúc đẩy và duy trì quan hệ với Mỹ, và Nga sẽ tiếp tục làm như vậy."

Trong khi đó, hồi tháng Hai vừa qua, nhà lãnh đạo Nga từng gửi thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ, khẳng định Nga sẽ luôn nỗ lực cạnh tranh với các hoạt động quân sự của Mỹ. Ông nói: “Mỹ từng tìm cách thao túng thế giới bằng chương trình tên lửa. Họ cần từ bỏ tham vọng này, bởi chúng tôi sẽ luôn đáp lại."

Nga và Mỹ đang bế tắc và có những mâu thuẫn nghiêm trong về vấn đề vũ khí tên lửa, đặc biệt là sau khi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) bị Washington phủi bỏ hồi đầu năm nay.

Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ Dave Kriete gần đây trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS của Nga rằng Washington không có ý định “chạy đua” với Nga trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi không phải là ganh đua với Nga và dấn thân vào cuộc chạy đua vũ trang, mà là thúc đẩy năng lực răn đe hiệu quả hơn"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục