Tổng thống Sri Lanka tái đắc cử nhiệm kỳ hai

Đương kim Tổng thống Rajapakse đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên thời hậu chiến với hơn 50% số phiếu ủng hộ.
Ngày 27/1, Đài truyền hình quốc gia "Rupavahini" của Sri Lanka đưa tin đương kim Tổng thống Mahinda Rajapakse đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên thời hậu chiến tại nước này, giành được hơn 50% số phiếu ủng hộ.

Với gần 85% trong tổng số 9,84 triệu phiếu đã kiểm, kết quả do Ủy ban Bầu cử Sri Lanka công bố cho thấy ông Rajapakse giành được 4,99 triệu phiếu bầu, trong khi đối thủ chính của ông là cựu Tư lệnh Quân đội, tướng về hưu Sarath Fonseka chỉ giành được 3,39 triệu phiếu. Kết quả chính thức cuộc bầu cử dự kiến sẽ được công bố ngay trong ngày 27/1.

Trong khi đó, tình hình tại thủ đô Colombo đã trở nên đặc biệt căng thẳng khi có khoảng 80 binh sĩ trang bị súng máy bao vây khách sạn hạng sang Cinnamon Grand, nơi ông Fonseka và một số nhân vật lãnh đạo đối lập khác đang ở.

Người phát ngôn Quân đội Sri Lanka Udaya Nanayacara cho biết quân đội đã bao vây khách sạn sau khi biết tin tại đây có 400 binh sĩ đào ngũ. Tuy nhiên, quân đội khẳng định không nhằm vào ứng cử viên Fonseka, đối thủ nặng ký của đương kim Tổng thống Rajapakse.

Thậm chí, nguồn tin của Chính phủ Sri Lanka lại nói rằng quân đội được điều tới khách sạn Cinnamon Grand là để "bảo vệ" ông Fonseka.

Trong khi đó, ông Ranil Wickremesinghe, Chủ tịch Đảng Dân tộc Thống nhất (UNP), cũng đã rời nhà riêng tới ở trong một khách sạn tại Colombo do lo ngại về an ninh.

Người phát ngôn của phe đối lập Rauf Hakeen cho biết ông Fonseka cảm thấy "bị nguy hiểm" nếu rời khỏi khách sạn và phe đối lập sẽ yêu cầu chính phủ đảm bảo an toàn và quyền tự do đi lại cho ông này. Trước đó, Chính phủ Sri Lanka cáo buộc ông Fonseka chiêu mộ dân quân gồm cả những binh sĩ đào ngũ, song phe đối lập đã bác bỏ.

Cùng ngày, kênh truyền hình Time Now (Ấn Độ) đưa tin ứng cử viên Fonseka đã cáo buộc Chính phủ Sri Lanka gian lận bầu cử và âm mưu thủ tiêu ông. Người phát ngôn của ông Fonseka cho biết ông đã tìm kiếm sự bảo vệ của một "nước láng giềng" để bảo đảm sự an toàn của bản thân.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh bạo lực tiếp diễn trong nhiều tuần vận động tranh cử. Kể từ tháng 11/2009 khi có thông báo bầu cử, đã xảy ra hơn 800 vụ bạo lực liên quan đến bầu cử làm ít nhất 5 người thiệt mạng và gần 80 người bị thương.

Sáng 26/1, ngay trước khi bầu cử bắt đầu, Trung tâm giám sát bạo lực trong bầu cử (CMEV) cho biết đã xảy ra 4 vụ nổ bom ở bán đảo Jaffna, khu vực của người thiểu số Tamil./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục